Chậm giải ngân vốn đầu tư công

08:39 - 21/07/2022

(TTV) - Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước mới chỉ ước đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với mức cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 6 tháng, vẫn còn 25 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Thậm chí một số đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào. Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhưng có 2 nguyên nhân cơ bản nhất đó là vướng mắc về giải phóng mặt bằng và giá nguyên vật liệu tăng cao thời gian gần đây. Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn rất nan giải ở hầu hết các địa phương do khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, quỹ nhà tái định cư...

Ngoài ra, hơn một năm trở lại đây, các biến động từ bên ngoài đã tác động làm giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao đến 30% so với trước. Tâm lý lo ngại "càng làm càng lỗ" khiến cho các nhà thầu thi công chậm lại để chờ điều chỉnh chính sách.

Với mục tiêu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập 6 Tổ công tác để đi kiểm tra, đốc thúc việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ ngành, địa phương, đồng thời, liên tục có các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Trong khi đó, tại một số địa phương, việc công bố chỉ số giá xây dựng theo từng tháng đang bắt đầu được thực hiện./.

Tuyết Hạnh BT/Bản tin Thanh Hóa ngày mới 21.7