Chăn nuôi gia súc hướng đi trong phát triển kinh tế của người dân miền núi

10:07 - 06/02/2024

Với nhiều lợi thế về chăn thả và nguồn thức ăn tự nhiên, chăn nuôi gia súc ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang là hướng đi mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Gia đình bà Trần Thị Tuyết, ở bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát nuôi 18 con bò. Bên cạnh việc chăn thả tự nhiên, hàng ngày bà Tuyết còn tận dụng nguồn thức ăn từ đồi rừng để chăm sóc và nuôi dưỡng đàn bò. Bà Tuyết cho biết, từ chăn nuôi bò, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập cho gia đình từ 50 đến 60 triệu đồng.

Chăn nuôi gia súc hướng đi trong phát triển kinh tế của người dân miền núi- Ảnh 1.

Huyện Mường Lát hiện có trên 22.000 con trâu bò. Là một huyện miền núi cao, điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn, chăn nuôi gia súc đang trở thành hướng đi mang lại hiệu quả cho nhiều người dân. Cũng nhờ chăn nuôi gia súc, nhiều hộ dân đã xóa được đói, giảm được nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Lát còn 39,34%, giảm 8,4% so với năm 2022.

Chăn nuôi gia súc hướng đi trong phát triển kinh tế của người dân miền núi- Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa

Ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cho biết, xã Mường Chanh có diện tích lớn, rất thuận lợi cho phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi. Hiện nay, với tổng đàn gia súc trên 3.500 con với 300 hộ gia đình chăn nuôi đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế của địa phương, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực con người, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp cho công tác phát triển chăn nuôi, theo đó địa phương sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch tạo vùng chăn nuôi với quy mô và tiếp tục công tác phòng tránh dịch bệnh.

Chăn nuôi gia súc hướng đi trong phát triển kinh tế của người dân miền núi- Ảnh 3.

Trong những năm qua, các huyện miền núi ở Thanh Hóa đã khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại, tập trung cải tạo đàn bò để tăng giá trị kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn để phát triển đàn trâu, bò. Đến nay đàn trâu bò ở các huyện miền núi Thanh Hóa luôn duy trì khoảng 180.000 con, chiếm 40% tổng đàn trâu bò toàn tỉnh. Hàng nghìn hộ dân trên địa bàn miền núi đã thoát nghèo và có sinh kế bền vững từ chăn nuôi gia súc.

Chăn nuôi gia súc hướng đi trong phát triển kinh tế của người dân miền núi- Ảnh 4.

Ông Lò Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cho biết cùng với việc phát triển chăn nuôi gia súc và phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn xã đã góp phần giúp bà con nông dân có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Chăn nuôi gia súc hướng đi trong phát triển kinh tế của người dân miền núi- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, huyện Bá Thước đã tập trung phát triển đàn trâu bò. Hiện tại, tổng đàn trâu, bò của huyện trên 30.000 con, với tiềm năng như vậy thì vai trò của việc phát triển chăn nuôi trâu, bò rất lớn đối việc phát triển giá trị trong sản xuất chăn nuôi, cũng như phát triển kinh tế của huyện nói chung.

Với điều kiện tự nhiên, đất đai thuận lợi, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi gia súc đã được khẳng định. Đây sẽ là hướng giúp người dân khu vực miền núi Thanh Hóa có hướng phát triển kinh tế hiệu quả.


Nguồn: Bản tin THNM/TTV