Châu Âu cấm xuất khẩu rác thải nhựa sang nước nghèo

08:36 - 20/11/2023

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm nhựa, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí ngừng xuất khẩu chất thải nhựa sang các nước nghèo. Đây được coi là bước đột phá trong việc giảm gánh nặng môi trường cho các nước thứ ba và là bước tiến mới của EU hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, bền vững.

Châu Âu cấm xuất khẩu rác thải nhựa sang nước nghèo- Ảnh 1.

Thỏa thuận này được đưa ra khi các nhà ngoại giao nhóm họp ở thủ đô Nairobi - Kenya để ký kết một hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Bà Pernille Weiss thành viên Đan Mạch tại Nghị viện châu Âu, người phụ trách đề xuất nói trên cho biết, châu Âu sẽ chịu trách nhiệm về chất thải nhựa của mình bằng cách cấm xuất khẩu sang các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Bà Weiss nhấn mạnh: "Một lần nữa, chúng tôi thực hiện tầm nhìn rằng chất thải là một tài nguyên, cần quản lý hợp lý và trong mọi trường hợp sẽ không gây hại cho môi trường hoặc sức khỏe con người".

Các quy định sẽ phải được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn trước khi có hiệu lực, từ đó đặt ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Sau 5 năm, các quốc gia muốn nhập khẩu rác thải nhựa của châu Âu có thể yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm nếu chứng minh được rằng họ sẽ xử lý tốt rác thải nhựa.

Để giải quyết vấn nạn này, EU đã đặt mục tiêu tái chế 55% bao bì nhựa rác thải vào năm 2030 như một phần của Sáng kiến thỏa thuận xanh. Quyết định của EU ngừng xuất khẩu chất thải nhựa sang các nước nghèo là một bước tiến mới hướng tới giảm ô nhiễm nhựa và thúc đẩy quản lý chất thải có trách nhiệm. Bằng cách thực hiện các điều kiện chặt chẽ hơn đối với xuất khẩu chất thải nhựa và ưu tiên tái chế, EU đang làm gương cho các quốc gia khác trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa. Thỏa thuận này đánh dấu bước phát triển tích cực trong nỗ lực toàn cầu nhằm tạo ra một tương lai bền vững hơn.

Nguồn: TSQT/TTV