Chỉ 35% bệnh nhân đái tháo đường ở nước ta được quản lý, điều trị
Kết quả điều tra của Bộ Y tế cho thấy: tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành tại Việt Nam ước tính là 7,1%, tương đương gần 5 triệu người. Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%.
Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia, và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt. Kết quả điều tra tại Việt Nam có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% biến chứng về mắt và thần kinh; 24% biến chứng về thận. Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực.

Việc thực hiện lối sống lành mạnh, sẽ giúp phòng ngừa đái tháo đường tới 70% số trường hợp. Đồng thời, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm. Những người mắc bệnh đái tháo đường cần được chăm sóc và hỗ trợ liên tục để kiểm soát bệnh và tránh các biến chứng.