Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa nắng nóng

08:23 - 11/05/2023

Năm 2023 được dự báo nền nhiệt cả nước sẽ cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước, do vậy để ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, từ đầu tháng 4 năm 2023 lực lượng kiểm lâm, các Ban quản lý rừng phòng hộ và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Xác định nguy cơ cháy dễ xảy ra nhất là ở 1.400 ha lau lách và thông thuộc xã Xuân Du, Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm và dân quân tự vệ các xã trên địa bàn tăng cường tuần tra, canh gác, chủ động trang bị thêm nhiều thiết bị quan sát từ xa để phát hiện, xử lý sớm sự cố. Các đơn vị cũng bố trí cán bộ và kiểm lâm viên địa bàn xuống các thôn, bản vận động Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, xây dựng phương án bố trí và huy động khoảng 200 người sẵn sàng tham gia phòng cháy, chữa cháy tại các vùng trọng điểm.

Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa nắng nóng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Là địa phương có diện tích rừng lớn, nhiều diện tích luồng nứa rất dễ xảy ra cháy, do vậy đơn vị đã thường xuyên hướng dẫn để người dân hiểu, nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, tố cáo hành vi vi phạm và tăng cường bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng".

Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa nắng nóng - Ảnh 3.

Từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm là thời gian cao điểm của mùa nắng nóng, dự báo về cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong năm nay luôn ở cấp 4, cấp 5. Năm 2023 lại nắng nóng hơn do ảnh hưởng của Elnino. Do đó, ngoài tổ chức bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị chữa cháy, thường xuyên vận hành máy bơm chữa cháy, lực lượng kiểm lâm còn bám sát địa bàn để tuyên truyền, vận động các chủ rừng, các hộ dân sinh sống gần rừng thực hiện đúng qui định về sử dụng lửa. Kiểm lâm cơ sở phối hợp với các Ban quản lý rừng phòng hộ và dân quân tự vệ ở các xã, thị trấn từ trung tuần tháng 4.2023 đã thực hiện trực 24/24 tại các chốt, các cửa rừng, sẵn sàng tiếp nhận thông tin về tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa nắng nóng - Ảnh 4.

Ông Đàm Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm, tỉnh Thanh Hoá

Ông Đàm Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Chúng tôi tăng cường bám sát địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn và ký cam kết bảo vệ rừng với các hộ dân. Rừng là tài sản nên ý thức bảo vệ được đặt lên hàng đầu, phấn đấu không để xảy ra cháy rừng".

Ông Lê Văn Sơn, Phó Hạt trưởng, Hạt kiểm lâm thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Nghi Sơn là vùng có nhiều diện tích thông, ngay từ đầu mùa  nắng nóng năm nay nền nhiệt đã rất cao. Do vậy công tác kiểm tra, tuần tra được đặt lên hàng đầu để vừa tuyên truyền, vừa nhắc nhở và kiểm soát được các dấu hiệu vi phạm hay sự cố để kịp thời xử lý".

Thanh Hoá hiện có trên 647 nghìn ha rừng, trong đó có 48 nghìn ha rừng trọng điểm nguy cơ cháy cao, địa hình phức tạp với nhiều loại cây khác nhau. Để không bị động, bất ngờ khi có sự cố cháy xảy ra, các lực lượng chuyên trách đã phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo các phòng, ban, chủ rừng, các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ; sử dụng phần mềm về cảnh báo cháy rừng; đồng thời củng cố, kiện toàn 36 tổ, đội quần chúng tham gia bảo vệ rừng, quyết tâm không để xảy ra cháy rừng trong suốt mùa nắng nóng năm 2023.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV