Chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng trong trường học

09:49 - 10/09/2023

Theo Bộ Y tế, 8 tháng đầu năm nay, cả nước đã ghi nhận hơn 74.000 ca bệnh tay chân miệng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 22 ca tử vong. Bắt đầu năm học mới khi học sinh học tập trung dẫn tới nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu không có biện pháp phòng dịch tốt.

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi với triệu chứng sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bộ Y tế khuyến cáo  các gia đình và nhà trường thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em).

2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi

3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu chuyển nặng trên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV