Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trước Tết

08:58 - 14/01/2024

Thời điểm gần Tết Nguyên đán, lượng vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như Dịch tả lợn Châu phi, viêm da nổi cục trên trâu bò và Cúm gia cầm phát sinh, lây lan, nếu các biện pháp phòng dịch không được thực hiện nghiêm.

Thành phố Thanh Hóa là trung tâm giao thương của cả tỉnh, nên vào thời điểm giáp tết, lượng động vật và sản phẩm từ động vật được vận chuyển từ các nơi về khá lớn nên nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh rất cao.

Để phòng chống dịch bệnh, thành phố Thanh Hóa đã tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các phường, xã và hộ dân làm vệ sinh khử trùng, tiêu độc tại những điểm có nguy cơ cao về dịch bệnh như các chợ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trước Tết - Ảnh 1.

Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trước Tết - Ảnh 2.

Ông Hoàng Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Hoàng Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tăng cường hướng dẫn về công tác thú y, công tác phòng chống dịch bệnh đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm soát các hoạt động kinh doanh, buôn bán động vật đưa từ các huyện, bên ngoài đưa vào thành phố tiêu thụ đảm bảo về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cho bà con tiêu thụ trong Tết Nguyên đán".

Thanh Hóa có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, trên 28 triệu con, đứng tốp đầu cả nước nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh còn hạn chế. Đặc biệt từ nay đến tết Nguyên đán là thời điểm các hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm tăng mạnh để phục vụ nhu cầu thực phẩm của nhân dân. Bên cạnh đó, nhu cầu tái đàn chăn nuôi sau Tết tăng, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất dễ xảy ra.

Để chủ động kiểm soát, kiểm dịch nguồn gốc sản phẩm, giảm nguy cơ lây nhiễm, xâm nhập dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác phòng chống dịch bệnh; tiến hành tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm; quản lý, kiểm soát nghiêm hoạt động giết mổ, vận chuyển lưu thông động vật và sản phẩm động vật ra vào địa bàn.

Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trước Tết - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Xuân Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Long, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Trên địa bàn có nhiều trang trại gia trại chăn nuôi tập trung, trên cơ sở vừa đảm bảo công tác tuyên truyền, đến tận nhà hướng dẫn về mặt khoa học, phối hợp với trạm bảo vệ thực vật, cán bộ chuyên môn đến tận gia trại để hướng dẫn cho bà con trên cơ sở cầm tay chỉ việc nên các hộ thực hiện nghiêm việc này".

Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trước Tết - Ảnh 4.

Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa

Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa chia sẻ: "Ngay từ đầu năm 2024, cũng là dịp tết nguyên đán Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong đó tham mưu để chuẩn bị tốt vật tư, hóa chất và các trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch khi mà có diễn biến phức tạp xảy ra, để các huyện các xã chủ động được việc phòng chống dịch bệnh. Để ngăn chặn, phát hiện ngăn chặn và xử ý kịp thời những ổ dịch khi mà mới bắt đầu để khoanh vùng, dập dịch, quản lý dịch bệnh để làm tốt phòng chống lây lan, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh tạo môi trường ổn định trong sản xuất".

Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trước Tết - Ảnh 5.

Theo cơ quan chuyên môn, để phòng chống dịch hiệu quả, người dân tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm mắc bệnh; thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khi phát hiện gia súc, gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh cần báo ngay với cán bộ thú y, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để lây lan ra diện rộng.

Nguồn: Bản tin Thời sự THNM ngày 14/01/2024