Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm

Thông thường vào thời điểm cuối năm, lưu lượng vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm tăng cao. Đây là thời điểm dịch cúm gia cầm dễ lây lan và bùng phát mạnh. Cùng với đó, tỷ lệ lưu hành vi rút cúm A/H5N1, A/H5N6 ở đàn vịt rất cao, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Do vậy, các địa phương, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Cứ 1 tuần, 2 lần, gia đình ông Ngô Đại Chiến, ở thôn Hợp Thành, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành lại phun chế phẩm sinh học 1 lần trong khu vực chuồng trại. Gia đình ông cũng dọn sạch chất thải của gà để đảm bảo vệ sinh môi trường chuồng nuôi. Ngoài ra, ông còn áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để bảo vệ an toàn cho 7 nghìn con gà thương phẩm.

Ông Ngô Đại Chiến, Thôn Hợp Thành, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Chăn nuôi hiệu quả tốt đúng quy trình phòng dịch như kỹ thuật, con giống, người chăn nuôi và tiêu độc khử trùng làm đúng, thực hiện theo quy trình thì mới mang lại hiệu quả cao".

Chủ động phòng chống dịch cúm gia   cầm  - Ảnh 1.

Thanh Hóa hiện có khoảng 26 triệu con gia cầm. Với tổng đàn lớn, địa bàn rộng và phức tạp, hình thức chăn nuôi đa dạng nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan trong dịp tết Nguyên đán rất cao. Để phòng ngừa dịch bệnh, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chính quyền các địa phương tăng cường quản lý các hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm; kiểm soát tốt nguồn giống, tiến hành tiêm phòng bổ sung đầy đủ văcxin theo chu kỳ cho đàn gia cầm. Đồng thời, khuyến cáo các gia trại, trang trại, hộ chăn nuôi gia cầm phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Khang, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thực hiện công văn của cấp trên, địa phương đã tuyên truyền cho nhân dân bằng nhiều hình thức, qua loa đài, băng rôn khẩu hiệu, ngăn chặn kịp thời gia cầm, sản phẩm của gia cầm đưa vào địa phương, tuyên truyền cho nhân dân xử lý tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng. Trên địa bàn chưa có dịch cúm gia cầm lây lan vào".

Chủ động phòng chống dịch cúm gia   cầm  - Ảnh 2.

Chủ động phòng chống dịch cúm gia   cầm  - Ảnh 3.

Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa

Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết thêm: "Công tác giết mổ gia cầm ở các cơ sở giết mổ và đặc biệt là các chợ buôn bán gia cầm phải kiểm tra chặt chẽ, tuyệt đối không được bán chạy, bán tháo hoặc là vứt xác gia cầm bệnh ra ngoài môi trường để cho lây lan. Đối với bên ngành quản lý nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi thú y không có lơ là hay chủ quan đối với bệnh này, thường xuyên kiểm tra, có các văn bản hướng dẫn kịp thời".

Bệnh cúm gia cầm có nhiều chủng có thể lây sang người như cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N9, A/H5N8. Tại Thanh Hóa, mặc dù chưa có ổ dịch nào phát sinh, nhưng không vì thế mà các địa phương, hộ chăn nuôi chủ quan, lơ là trước nguy cơ xảy ra dịch bệnh nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 07/01/2024