Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm thời điểm cuối năm

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, từ kết quả giám sát năm 2022, tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm trên đàn thủy cầm của tỉnh rất cao, lên tới trên 5%, trong đó bình quân chung của cả nước chỉ trên 2%. Vì vậy, nguy cơ những chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao như H5N1, H5N6, H5N8 và đặc biệt là chủng vi rút A/H7N9, H5N2, H5N5... xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh rất lớn, nếu các hộ chăn nuôi không chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa.

Bình quân mỗi ngày, chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương, thành phố Thanh Hóa nhập khoảng 1 tấn gà, vịt, ngan… Nguồn hàng nhập vào chủ yếu từ các huyện, thị trong tỉnh và một số tỉnh ngoài. Không chỉ buôn bán gia cầm sống, tại chợ có 10 cửa hàng kinh doanh giết mổ gia cầm. Số lượng lớn, nguồn hàng lại nhập từ nhiều nơi, nên nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch vào chợ và từ chợ ra bên ngoài rất cao. Do vậy, để tránh dịch cúm gia cầm lây lan, xâm nhiễm, Ban quản lý chợ tăng cường công tác kiểm soát đầu vào, kiểm soát giết mổ, thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực quầy hàng và điểm tập kết gia cầm.

Ông Lê Ngọc Thắng, Giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương, Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Ban quản lý chợ kết hợp với Thú y thành phố lấy mẫu định kỳ và lấy mẫu những đợt có dịch, nếu trường hợp nào mà vi phạm thì Ban quản lý chợ phối hợp với đơn vị chức năng xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".  

Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm thời điểm cuối năm - Ảnh 2.

Chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương, thành phố Thanh Hóa

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa có tổng đàn gia cầm khoảng 23 triệu con. Thời điểm này, người dân đang tập trung chăm sóc lứa vật nuôi phục vụ thị trường đợt cao điểm cuối năm. Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan, các ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh; tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của nó đối với sức khỏe con người cũng như ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Tăng cường giám sát, đôn đốc công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng tại khu vực chuồng trại, vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao; tiêm phòng vắc-xin bổ sung cúm gia cầm và các loại vắc-xin khác cho đàn gia cầm mới phát sinh, nhằm tạo miễn dịch cho đàn. Đồng thời kiểm soát chặt việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán và nhập giống gia cầm vào địa bàn; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch động vật tại các cửa khẩu, không để vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.

Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm thời điểm cuối năm - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đình Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Đình Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Khuyến cáo người dân phải buôn bán kinh doanh gia cầm đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối với gia cầm khi bị chết mà chưa rõ nguyên nhân phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương và báo cáo với huyện về kiểm tra lấy mẫu xử lý và khoanh vùng xử lý. Đối với những gia cầm mà chết, khuyến cáo người dân không vứt xác gia cầm bừa bãi ra ngoài môi trường nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh cho đàn gia cầm."

Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm thời điểm cuối năm - Ảnh 4.

Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 77 nghìn con gia cầm. Tại Thanh Hóa, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm vẫn được kiểm soát tốt, tuy nhiên với tổng đàn lớn, địa bàn rộng và phức tạp, hình thức chăn nuôi đa dạng, chưa an toàn, nhiều đàn gia cầm vẫn chưa được tiêm phòng vắc-xin, nguy cơ tiềm ẩn, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn rất cao. Do vậy, công tác phòng chống dịch cần được các ngành, địa phương và người dân thực hiện nghiêm túc.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới ngày 06/11/2022