Chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ em

16:06 - 10/08/2023

Thanh Hóa là tỉnh ven biển, lại có nhiều ao hồ, sông suối. Những ngày nắng nóng kéo dài trên diện rộng vừa qua cũng đã gây ra sự ngột ngạt khó chịu nên hoạt động bơi lội tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, đặc biệt ở trẻ em. Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước khiến nhiều trẻ tử vong, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, trang bị kỹ năng an toàn, nâng cao nhận thức phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn.

Huyện Quảng Xương là địa bàn có đường bờ biển dài, dân số đông nên nguy cơ xảy ra đuối nước với trẻ em luôn cao và diễn biến phức tạp. Điều lo ngại nhất là việc các em học sinh tự rủ nhau ra biển tắm ngoài giờ học, không có sự quan tâm quản lý của gia đình, lại thiếu các kỹ năng phòng, chống đuối nước nên đã dẫn đến những hậu quả khôn lường. Từ các vụ tai nạn đuối nước những năm trước, huyện đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức, thực hành kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước cho các em học sinh tại các nhà trường; giao cho các xã, nhất là các địa phương ven biển cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm; đoàn thanh niên xung kích tham gia tuyên truyền về phòng, chống đuối nước... Đối với các xã có nguy cơ cao về đuối nước trên địa bàn huyện Quảng Xương như Tiên Trang, Quảng Nham, Quảng Thạch, Quảng Hải, Quảng Thái đã cơ bản hoàn thành việc cắm biển cảnh báo nguy hiểm, nguy cơ đuối nước tại các bãi biển, bờ sông. Công tác phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước được thực hiện thường xuyên tại các nhà trường trong năm học 2022-2023.

Chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ em  - Ảnh 2.

Là một xã vừa có sông, vừa có biển, ngay từ đầu năm, Đoàn Thanh niên xã Quảng Nham cũng đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các tiết học ngoại khoá, tập huấn kỹ năng phòng chống đuối nước và sơ cấp cứu khi xảy ra tai nạn cho học sinh. Đồng thời, rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để đặt biển cảnh báo.

Chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ em  - Ảnh 3.

Chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ em  - Ảnh 4.

Chị Đoàn thị Dung, Bí thư Đoàn xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá

Chị Đoàn thị Dung, Bí thư Đoàn xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Hàng năm viết các bài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã nhằm nâng cao kỹ năng cho học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn cách phòng chống đuối nước, nhất là khi mùa hè đã đến. Tuyên truyền để phụ huynh quản lý con em mình. Phải nâng cao được kỹ năng cho các bạn, cách cứu đuối để các bạn tự bảo vệ bản thân. Tuyên truyền để phụ huynh quản lý con em mình".

Mùa hè năm 2023, cùng với những bể bơi cố định đã có, Đoàn Thanh niên các địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vận động nguồn lực xã hội hóa xây dựng, trao tặng bể bơi thông minh cho các trường học và địa phương phục vụ việc dạy bơi, phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Trên cơ sở đó, Đoàn Thanh niên đã mở các lớp dạy bơi miễn phí cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn hoặc thu học phí thấp để phổ cập bơi tới tất cả trẻ em.

Chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ em  - Ảnh 5.

Chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ em  - Ảnh 6.

Chị Lê Thị Hồng Hà, Phó Bí thư Huyện Đoàn Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá

Chị Lê Thị Hồng Hà, Phó Bí thư Huyện Đoàn Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 10 lớp tập huấn và hơn 40 lớp tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho trẻ. Bên cạnh đó, Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền trên loa truyền thanh với định kỳ 1 – 2 lần/ngày để nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ trẻ".

Bể bơi của Trung tâm Hoạt động và Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu niên Thanh Hóa (Sầm Sơn) được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng, với mục tiêu trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho thanh thiếu niên Thanh Hóa. Năm 2022, trung tâm đã dạy bơi miễn phí cho khoảng 100 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hè năm nay, trung tâm đã tặng vé bơi miễn phí và quà cho 72 học sinh trên địa bàn Thành phố Sầm Sơn. Tại đây, các em được giáo viên của trung tâm hướng dẫn những kỹ năng bơi lội cơ bản như: làm quen, tập nhảy xuống nước; tập thở đúng cách khi tiếp xúc trực tiếp với nước; các kỹ thuật bơi thông dụng, bơi ếch, bơi ngửa; cách xử lý khi bị đuối nước do chuột rút, xử lý nhanh các tình huống nguy hiểm, bất ngờ… Bên cạnh học bơi, các em còn được truyền đạt những kiến thức, kỹ năng cơ bản đảm bảo an toàn trong môi trường nước, những nguyên nhân, nguy cơ và cách phòng, chống đuối nước cho trẻ em khi tham gia bơi lội và hướng dẫn các em cách sơ cấp cứu khi xảy ra trường hợp bị đuối nước.

Chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ em  - Ảnh 7.

Chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ em  - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Hoạt động và Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu niên tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Hoạt động và Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu niên tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Trong năm 2023, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày hội Olympic phòng chống đuối nước trẻ em, trung tâm đã hỗ trợ thẻ bơi miễn phí, vé bơi, dụng cụ bơi gần 200 triệu cho thiếu niên Thành phố Sầm Sơn. Phối hợp với UBND Thành phố Sầm Sơn tổ chức giải bơi cho thanh thiếu nhi thành công tốt đẹp".

Không chỉ các địa phương ven biển mà tại khu vực miền núi Thanh Hóa, nguy cơ xảy ra đuối nước cũng rất cao, nhất là các địa bàn có nhiều sông, suối, hồ, đập... Vì vậy, các huyện khu vực miền núi cũng có sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường công tác phòng, chống đuối nước. Đối với huyện Cẩm Thủy, dịp hè năm nay huyện đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống đuối nước. Huyện cũng thường xuyên tổ chức khảo sát các địa điểm có nguy cơ mất an toàn và thực hiện cắm biển cảnh báo. Khuyến khích các trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa rèn luyện kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh đặc biệt là trong dịp hè. Các lớp dạy bơi miễn phí được tổ chức từ đầu tháng 5/2023 trong đó có lồng ghép kỹ năng phòng, chống đuối nước.

Chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ em  - Ảnh 9.

Em Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Học sinh trường THCS Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa

Em Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Học sinh trường THCS Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Tham gia lớp học bơi miễn phí này em cảm thấy rất vui và bổ ích. Em được học bơi, học  cách phòng tránh các rủi ro, đặc biệt làkhi mùa mưa bão đến".

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, toàn huyện Cẩm Thủy hiện chưa có bể bơi nào, nên điều kiện học bơi đối với các em cũng rất khó khăn. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các em, phòng Giáo Dục và Đào tạo huyện đã phải sang tận địa bàn huyện Thạch Thành thuê bể bơi của doanh nghiệp, để dạy cho các em.

Chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ em  - Ảnh 10.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, từ đầu năm đến đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 26 vụ tai nạn thương tích, gây tử vong đối với 31 trẻ em. Trong đó, có 17 vụ tai nạn đuối nước, gây tử vong 20 trẻ em. Thực tế cho thấy tai nạn đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới số trẻ em tử vong. Đáng lưu ý, có những vụ tai nạn đuối nước làm tử vong nhiều trẻ em cùng lúc, như tại Thị xã Nghi Sơn hồi trung tuần tháng 4 xảy ra vụ tai nạn đuối nước khi tắm biển khiến 2 trẻ em tử vong; đến đầu tháng 6 vừa qua lại xảy ra vụ đuối nước khi tắm biển làm 3 trẻ em tử vong.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo phối hợp các đơn vị tổ chức hoạt động dạy bơi an toàn, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên địa phương có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao và có nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em, giáo dục cho học sinh kỹ năng nhận biết biển cảnh báo, nguy cơ và biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước. Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc lắp đặt biển cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ gây đuối nước, làm rào chắn với ao, hồ tại cộng đồng dân cư, công trình công cộng, huy động, vận động cơ quan, tổ chức xã hội và gia đình tăng cường tổ chức dạy bơi cho trẻ và trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước để bảo vệ an toàn cho trẻ em.

Chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ em  - Ảnh 11.

Bơi là kỹ năng cần thiết mà bất cứ trẻ em nào cũng cần phải có, và đuối nước ở trẻ cũng là nỗi lo không của riêng ai. Chính vì vậy, ngoài sự vào cuộc của nhà trường, xã hội và ngành chức năng thì chính sự quan tâm từ gia đình các em sẽ là yếu tố quan trọng giúp trẻ có kĩ năng tốt hơn, tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Việc trang bị đầy đủ kĩ năng, biết cách phòng tránh, bảo vệ mình trước tai nạn thương tích cũng sẽ giúp các em có một mùa hè an toàn và ý nghĩa.

Nguồn: Chuyên mục Giáo dục Khuyến học 27/07/2023