Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp từ 4 còn 1, giáo viên "nhẹ người"

16:14 - 21/10/2021

Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nhiều thay đổi về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức.

 

Kể từ ngày 10.12.2021, giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Ảnh: Đình Trọng
Kể từ ngày 10.12.2021, giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Ảnh: Đình Trọng

Ngày 18.10.2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1.9.2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo văn bản mới ban hành (có hiệu lực từ 10.12.2021), Chính phủ đã thay đổi nhiều quy định về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Theo Nghị định 101/2017, chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, thời gian thực hiện tối thiểu là 6 tuần, tối đa là 8 tuần, gồm: 4 chương trình gắn với 4 chứng chỉ từ hạng IV đến hạng I. Tuy nhiên theo Nghị định 89/2021, chỉ còn lại 1 chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp dùng chung.

Nghị định 89/2021 cũng quy định: “Viên chức có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng”.

Đồng thời, Nghị định 89/2021 quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30.6.2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này.

Nghị định cũng sửa đổi nội dung bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, nội dung bồi dưỡng gồm: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.

Ngoài ra, Nghị định sửa đổi yêu cầu tham gia các chương trình bồi dưỡng. Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Công chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức trước khi bổ nhiệm ngạch.

Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.

Cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức và theo nhu cầu bản thân, thời gian thực hiện tối thiểu 1 tuần (40 tiết)/năm, tối đa 4 tuần (160 tiết)/năm.

Về kinh phí, Nghị định 89/2021 quy định: “Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật”.

Chuyên gia giáo dục Lê Văn Vỵ (Hà Tĩnh) cho biết: “Với Nghị định 89/2021, đã giảm tải được rất nhiều cho giáo viên nói riêng và viên chức nói chung. Từ 4 chứng chỉ, viên chức chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho suốt cả quá trình công tác, kinh phí bồi dưỡng từ nguồn ngân sách, và ai đã có chứng chỉ, đã được bổ nhiệm thì không phải học nữa, rất tiết kiệm và thuận lợi”.

QUANG ĐẠI/BÁO LAO ĐỘNG