Chương trình OCOP thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho nông sản Thanh Hóa

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 292 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có đến 70 % là nông sản. Chương trình OCOP đã giúp nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ và khẳng định được thương hiệu cho nông sản Thanh Hóa; hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Sắn dây và dong là 2 loại cây trồng truyền thống của xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc. Nhiều năm trước, người dân chủ yếu trồng để bán nguyên liệu thô, giá trị kinh tế thấp. Những năm gần đây, xã đã quy hoạch lại 100 ha vùng trồng tập trung, khuyến khích người dân chế biến sản phẩm tại chỗ. 

Chương trình OCOP thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho nông sản Thanh Hóa - Ảnh 2.

Đồng thời, được huyện hỗ trợ làm mẫu mã, nhãn mác, nên đến nay cả 2 sản phẩm "bột sắn Hương quê" và "miến dong Hương Ngọc" đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh; giá trị sản xuất cũng tăng gấp đôi so với trước đây.

Chương trình OCOP thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho nông sản Thanh Hóa - Ảnh 3.

Ông Phạm Phú Xuân - Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Ông Phạm Phú Xuân - Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Sau khi được công nhận OCOP, tinh bột sắn dây và miến dong bán rất chạy; đặc biệt tinh bột sắn dây không có mà bán; giá cả tăng lên rất ổn định, năm nay củ sắn dây đang bán giá 14, tăng gấp đôi năm ngoái… Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo bà con nhân dân phát triển thêm một số sản phẩm OCOP nữa".

Thanh Hóa có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với nhiều sản phẩm trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành và phát triển được 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cấp tỉnh và hơn 50 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cấp huyện, xã như: Vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau quả an toàn… 

Chương trình OCOP thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho nông sản Thanh Hóa - Ảnh 4.

Đây được xem là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển các nông sản đặc trưng của Thanh Hóa thành sản phẩm OCOP. Nhiều địa phương đã quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, globalgap; hỗ trợ các hợp tác xã, hộ sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm; đổi mới hình thức mẫu mã theo tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Chương trình OCOP thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho nông sản Thanh Hóa - Ảnh 5.

Ông Đặng Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Ông Đặng Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thời gian qua huyện đã phối hợp với các đơn vị xây dựng các sản phẩm OCOP, phát huy được đặc sản vùng miền của huyện… Hiện nay một số sản phẩm đã có thương hiệu và tiêu thụ rất tốt trên thị trường như miến dong Ngọc Liên, sắn dây, gạo nếp Thạch Lập… Người dân đã bắt đầu làm quen với cách làm mới và xây dựng thương hiệu".

Tham gia chương trình OCOP, các hộ dân đều có ý thức sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng, thay đổi tư duy làm ăn từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn và liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp khai thác tiềm năng của mỗi địa phương, tạo ra nhiều hàng hóa chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh của nông sản Thanh Hóa trên thị trường.

Chương trình OCOP thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho nông sản Thanh Hóa - Ảnh 6.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 07/12/2022