Chuyển biến trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

20:14 - 14/09/2019

(TTV) - Từ năm 2016, ngay sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnhThanh Hóa về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020", các cấp, các ngành, đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thành các chương trình, kế hoạch hành động. Đến nay, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từng bước đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hiện nay, huyện Vĩnh Lộc có 100% xã, thị trấn được công nhận xã, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm và là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về kết quả thực hiện các chỉ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm đến năm 2020. Mỗi kết quả đạt được đều nhờ quyết tâm vào cuộc của hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.

Xác định công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, ngay sau khi Nghị quyết 04 ra đời, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc triển khai thực hiện; tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Đến nay, nhiều mục tiêu cụ thể đã đạt kế hoạch đề ra; nổi bật là toàn tỉnh đã xây dựng được 783 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng  gần 14 lần so với năm 2016; hình thành 97 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung với diện tích hơn 485 ha; tăng 2,3 lần so với năm 2016; 100% thực phẩm sản xuất, chế biến theo mô hình sản xuất lớn, tập trung đã đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm. Các hoạt động kết nối cung cầu thực phẩm an toàn được tổ chức ngày càng thường xuyên và hiệu quả... Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người sản xuất, người tiêu dùng về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng lên.

Mặc dù vậy, một số chỉ tiêu thực hiện còn đạt thấp, như: tỷ lệ thực phẩm cung ứng từ tỉnh ngoài vào được kiểm soát; tỷ lệ chợ được công nhận chợ kinh doanh thực phẩm an toàn; tỉ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm...; công tác quản lý thức ăn đường phố; quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ còn hạn chế....Điều này đòi hỏi các ngành, các địa phương cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện thành công Nghị quyết 04, phấn đấu đến năm 2020, các loại thực phẩm được sử dụng hàng ngày được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu và cơ bản đảm bảo vệ sinh an toàn./.

Theo thời sự tối ngày 14.9/TTV