Chuyển biến về công tác bảo vệ môi trường vẫn còn chậm

22:11 - 10/12/2019

(TTV) - Năm 2016, Nghị quyết số 05 Ban cấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá được ban hành nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo vệ môi trường; 3 năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong công tác bảo vệ môi trường và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên nhìn chung chuyển biến về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

 

​Ô nhiễm môi trường trong sản xuất giấy và bột giấy là vấn đề nổi cộm, bức xúc trong thời gian gần đây.
​Ô nhiễm môi trường trong sản xuất giấy và bột giấy là vấn đề nổi cộm, bức xúc trong thời gian gần đây.

Ô nhiễm môi trường trong sản xuất giấy và bột giấy là vấn đề nổi cộm, bức xúc trong thời gian gần đây. Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã không ít lần tổ chức hội thảo, giới thiệu công nghệ xử lý nước thải đến các doanh nghiệp, song rất ít doanh nghiệp áp dụng, hoặc có thì cũng chỉ đầu tư nửa vời. Thậm chí, một số doanh nghiệp mặc dù đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải khá bài bản, nhưng lại không vận hành thường xuyên và đúng quy trình để tiết kiệm chi phí.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải, rác thải tại các làng nghề cũng đang là bài toán nan giải  ở nhiều địa phương. Hiện Thanh Hóa có 5 làng nghề đang nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, một số làng nghề mới chưa được quy hoạch  xa khu dân cư, chưa có hệ thống xử lý đang xả thải trực tiếp ra môi trường, ao hồ, sông ngòi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải, rác thải tại các làng nghề cũng đang là bài toán nan giải  ở nhiều địa phương.
Tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải, rác thải tại các làng nghề cũng đang là bài toán nan giải ở nhiều địa phương.

Ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt hiện cũng đang là vấn đề nóng khi mà cả tỉnh chỉ có hơn 2.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày, nhưng mới thu gom đạt khoảng 85%. Rác thải sau khi thu gom được xử lý bằng hình thức chôn lấp với tỷ lệ khoảng 90% và  đốt  với tỷ lệ 10%. Hầu hết các bãi chôn lấp chưa được đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý môi trường, khiến nước bẩn thẩm thấu vào lòng đất và mùi hôi phát tán ra không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân.

UBND tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương đã ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công trình xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, nhưng chưa đủ hấp dẫn nên chưa thu hút được dự án. HĐND tỉnh cũng chưa ban hành được mức phí thu đối với lượng rác thải phát sinh, các doanh nghiệp đang phải tự thỏa thuận với người dân về mức thu nên gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì mạng lưới thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt...

Không chỉ nóng trong đời sống sinh hoạt của người dân, môi trường cũng là vấn đề nóng tại các kỳ tiếp xúc giữa Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp với cử tri. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có cơ chế, chính sách đồng bộ trong lĩnh vực môi trường, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân cần phải có sự nỗ lực hơn nữa trng sản xuất, sinh hoạt gắn với bảo vệ môi trường, vì sức khoẻ của con người, và vì sự phát triển chung của toàn xã hội./.

Theo thời sự tối ngày10.12/TTV