Chuyển đổi số để thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị

18:29 - 09/04/2023

Nếu như cách đây vài năm, "chuyển đổi số" còn đang là một khái niệm xa lạ, ít người biết đến; thì giờ đây đang trở nên quen thuộc. Từ thành thị tới nông thôn, từ chính quyền tới người dân, chuyển đổi số đã hiện diện trong mọi công việc và hoạt động đời sống. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ, đời sống người dân giữa nông thôn và thành thị.

Chụp ảnh sản phẩm gửi lên các hội nhóm mua bán... Gọi điện bằng hình ảnh để khách hàng thấy được sản phẩm... Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, đứng ngay tại vườn, chị Bùi Thị Yến ở thôn Đồng Cốc, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân đã có thể giới thiệu sản phẩm dưa vàng tới hàng nghìn khách hàng gần xa.

Chuyển đổi số để thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị - Ảnh 2.

Chị Bùi Thị Yến, thôn Đồng Cốc, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân

Chị Bùi Thị Yến, thôn Đồng Cốc, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân phấn khởi cho biết: "Nông dân chúng tôi trước chỉ bán hàng ở thôn ở xã, nhưng nhờ có mạng xã hội mà tôi đã bán được hàng cho khách ở trong tỉnh rồi cả Hà Nội, Đà Nẵng nữa. Trước nhà tôi chỉ có hơn 300 m2 nhà lưới, nhờ bán hàng được hơn nên nhà tôi đã mạnh dạn mở rộng lên 2.000 m2 để đủ cung cấp sản phẩm cho khách hàng".

Ứng dụng công nghệ số đã giúp người nông dân vượt qua ranh giới về địa lý, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Chính vì vậy, cấp ủy chính quyền huyện Thọ Xuân đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số, tích cực quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP qua các trang mạng xã hội hay trang thương mại điện tử để sản phẩm đến với đông đảo khách hàng. Như vậy, người nông dân dù sản xuất tại địa phương vẫn bán hàng hiệu quả hơn. Chia sẻ về vấn đề này ông Lê Hữu Lâm, cơ sở sản xuất bánh gai Lâm Thắm, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân cho biết việc bán trên mạng, facebook với zalo sẽ giúp bán rộng rãi toàn trong nước, người dân có thể bán được trong cả miền nam.

Chuyển đổi số để thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị - Ảnh 3.

Là vùng quê nông thôn mới kiểu mẫu, cấp ủy chính quyền xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân đang tiếp tục thưc hiện chuyển đổi số toàn diện để hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh. Xã đã phối hợp cùng các nhà mạng viễn thông phủ sóng di động và internet đến khắp các thôn, xóm. Các tổ công nghệ số cộng đồng tích cực hướng dẫn người dân tiếp cận thông tin trên môi trường mạng, cài đặt các phần mềm, ứng dụng để có thể ngồi ngay tại nhà cũng có thể sử dụng được các dịch vụ cần thiết. Anh Trịnh Xuân Hiền, thôn Tỉnh Thôn 2, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân cho biết: "Tôi thấy giờ chúng tôi ở quê vẫn nắm được hết tin tức ở tỉnh, ở huyện, khi cần mua đồ gì, hay quần áo ở thành phố chỉ cần đặt hàng qua mạng là mua được rồi, không cần phải xuống tận nơi".

Chuyển đổi số để thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị - Ảnh 4.

Cùng với đó, xã Xuân Hòa đang nỗ lực xây dựng chính quyền số, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ sử dụng công nghệ, các phần mềm dùng trong công việc cho đội ngũ cán bộ công chức. Qua đó, giúp cho hoạt động quản lý, điều hành của cấp ủy chính quyền được nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian xử lý công việc và phục vụ người dân hiệu quả hơn.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân cho biết: "Chúng tôi tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con Nhân dân để người dân chủ động cùng cấp ủy chính quyền tham gia vào công tác chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho bà con trong giao dịch, thực hiện dịch vụ công... nỗ lực thực hiện chính quyền số, đầu tư trang thiết bị phòng họp trực tuyến, cán bộ chúng tôi trước phải xuống huyện, xuống tỉnh để họp, tiếp thu chỉ đạo, nhưng giờ chỉ cần ngồi tại cơ quan vẫn họp đươc với cấp trên và vẫn giải quyết được công việc cho người dân".

Chuyển đổi số để thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị - Ảnh 5.

Có thể nói, chuyển đổi số vừa là giải pháp vừa là cơ hội để cấp ủy, chính quyền và người dân nông thôn tạo ra những thay đổi đột phá về chất lượng giải quyết công việc, phát triển kinh tế và cuộc sống mà không phụ còn phụ thuộc quá nhiều về khoảng cách địa lý.

Năm 2023, huyện Thọ Xuân lựa chọn 8 xã để thực hiện chuyển đổi số, nhiều hơn 2 xã so với chỉ tiêu của tỉnh giao. Trong đó có nhiều xã miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Điều đó cho thấy quyết tâm của huyện Thọ Xuân cũng như các xã trong công cuộc chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đời sống người dân và thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng cung cấp dịch vụ giữa nông thôn với thành thị.

Chuyển đổi số để thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: "Huyện đang hoàn thiện đề án chuyển đổi số cấp huyện... Ngoài ra đối với 8 xã thực hiện trong năm 2023, huyện giao mục tiêu nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho từng giai đoạn để thực hiện thành công, hướng tới tạo ra sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ cho người dân không phân biệt nông thôn – thành thị".

Năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, thì huyện Thọ Xuân nói riêng, các địa phương của Thanh Hóa nói chung cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để phát huy hết các tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số cấp xã, thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị.

 

Nguồn: Chuyên mục Chuyển đổi số ngày 8.4.2023