Chuyển đổi số trong lĩnh vực hộ tịch vẫn còn nhiều khó khăn

08:20 - 29/10/2022

Để cùng với cả nước thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, Thanh Hóa sẽ thực hiện việc số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, hoàn thành vào năm 2025. Quá trình số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc và chậm so với tiến độ .

Theo thống kê của Sở Tư pháp Thanh Hoá, đến nay, UBND cấp huyện, cấp xã mới chỉ tạo lập được các file dữ liệu hộ tịch. Toàn tỉnh mới nhập dữ liệu được trên 800.000 trường hợp đăng ký hộ tịch trên tổng số 4,3 triệu trường hợp cần đăng ký hộ tịch. Việc scan/chụp các trang sổ hộ tịch gốc để cập nhật vào "Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch" phần lớn các huyện, các xã chưa thực hiện được.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực hộ tịch vẫn còn nhiều khó khăn - Ảnh 2.

Quá trình số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc và chậm so với tiến độ

Khó khăn lớn nhất hiện nay là UBND cấp xã chỉ được biên chế 1 đến 2 chức danh công chức tư pháp hộ tịch, trong khi khối lượng thông tin cần số hóa quá lớn. Quá trình số hóa đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm và trình độ nhất định về công nghệ thông tin mới có thể thực hiện được các thao tác thu thập, phân loại, tạo trang sổ, tạo file, nén file, cập nhật số liệu, xử lý các thông tin hộ tịch đăng ký sai, bị nhòe, mờ… Trong khi phần lớn công chức tư pháp thực hiện việc số hóa tại các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Việc scan các trang sổ hộ tịch giấy đưa lên dữ liệu điện tử đòi hỏi phải có máy scan chuyên dụng, những máy scan thông dụng mà các địa phương được trang bị từ trước chưa thể đáp ứng được việc này. Bên cạnh đó, các thông tin hộ tịch sau khi đã cập nhật lên phần mền nếu phát hiện có sai sót cần điều chỉnh cũng hết sức phức tạp. Để được điều chỉnh, thay đổi thông tin hộ tịch, UBND xã phải làm văn bản báo cáo và được UBND huyện chấp thuận mới có thể thực hiện việc điều chỉnh thông tin từ máy chủ được cấp quyền. 

Ông Nguyễn Xuân Hạnh - Trưởng phòng Hành chính – Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm tại 3 huyện là Hoằng Hoá, Thọ Xuân, Bá Thước sau đó sẽ triển khai thực hiện tại tất cả các địa phương".

Hiện nay, Sở Tư pháp đang tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch thuê đơn vị độc lập thực hiện số hóa toàn bộ dữ liệu hộ tịch lưu tại 559 xã, phường, thị trấn và 27 huyện, thị xã, thành phố theo lộ trình phù hợp.

Nguồn: Bản tin Thời sự THNM ngày 29/10