Chuyện làm kinh tế của phụ nữ làng Dao

Những năm gần đây, vai trò của chị em phụ nữ người Dao trong tỉnh ngày càng được khẳng định, nhất là trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cũng như hầu hết chị em các dân tộc thiểu số khác, trước đây, phụ nữ người Dao chỉ tham gia sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ, chưa có các mô hình sản xuất mới và chưa tìm ra hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phát triển kinh tế. Tuy nhiều, những năm gần đây, với sự tuyên truyền, vận động của các ban ngành, đoàn thể, phụ nữ dân tộc Dao ngày càng nâng cao tinh thần tự lực, từng bước vượt khó, tích cực tham gia phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi". Theo đó, chị em từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng các kỹ thuật mới trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế.

Chuyện làm kinh tế của phụ nữ làng Dao  - Ảnh 2.

Những trái cam chín mọng chuẩn bị đến mùa thu hoạch là thành quả miệt mài, chăm chỉ vun trồng, chăm sóc của gia đình chị Triệu Thị Sệnh, 39 tuổi, bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Cách đây vài năm về trước không ai nghĩ rằng, giống cây ăn quả có múi này lại có thể ăn sâu, bám rễ được ở mảnh đất vùng cao xa xôi này.

Năm 2019, gia đình chị Sệnh là một trong những hộ đầu tiên của Mường Lát được ngành nông nghiệp huyện lựa chọn tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mô hình cam Cao Phong. Sau 3 năm, vườn cam Cao Phong với hơn 14 sào, 300 gốc đã đậu bông và kết trái.

Chị Triệu Thị Sệnh, bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trước đây, gia đình tôi không biết trồng cây cam này, nhờ được hướng dẫn nên bây giờ biết chăm sóc rồi. Được 3 năm rồi, năm nay được thu hoạch. Trước, gia đình mình khó khăn lắm, bây giờ cuộc sống khấm khá nhiều".

Chuyện làm kinh tế của phụ nữ làng Dao  - Ảnh 4.

Chị Triệu Thị Sệnh, bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa

Ngoài trồng cây ăn quả, gia đình chị Sệnh còn nuôi 6 con bò, hàng chục con lợn, hàng trăm con gia cầm các loại… thu nhập cũng gần trăm triệu đồng mỗi năm. Cuộc sống ngày càng khấm khá cả vật chất lẫn tinh thần đã tạo điều kiện cho gia đình chị Sệnh nói riêng, người Dao đỏ ở bản Hạ Sơn nói chung, chăm lo cho con cái học hành đến nơi, đến chốn.

Còn tại khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, bà Phùng Thị Ngân cũng được biết đến là một trong những phụ nữ làm kinh tế giỏi. Nhiều năm trước, gia đình bà Ngân cũng thuộc diện hộ nghèo, nguồn thu chủ yếu chỉ trông chờ vào diện tích trồng ngô nên đời sống bấp bênh. Sau khi được sự tuyên truyền, vận động của cán bộ xã, khu phố, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư phát triển cây Keo, nuôi thêm con gà, con lợn. Hiện, hơn 1 ha trồng Keo của gia đình bà Ngân đã cho thu hoạch, đem lại hơn 100 triệu đồng; diện tích trồng ngô mỗi năm cũng đạt từ 6 đến 7 tấn, nguồn thu khoảng 50 triệu đồng.

Bà Phùng Thị Ngân, khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa

Đặc biệt, phát huy nghề bốc thuốc Nam truyền thống của người Dao, bà Ngân được nhiều người biết đến là người "mát tay" trong việc chữa bệnh cho bà con. Bà Ngân chia sẻ, các bài thuốc cổ của người Dao chủ yếu được truyền miệng, được bà, mẹ "cầm tay chỉ việc" bằng cách đưa con cháu lên rừng và dạy bảo từng loại cây, phân biệt theo hình dáng, vân gỗ, lá... Ngoài những cây thuốc có thể gọi bằng tên, còn rất nhiều loại cây mà bà nhận dạng được nhưng không biết tên phổ thông là gì. Song, bà biết chắc những cây thuốc đó có thể chữa được bệnh gì?

Chuyện làm kinh tế của phụ nữ làng Dao  - Ảnh 6.

Các cây thuốc Nam của người Dao chủ yếu là sống dưới các tán lá rừng, việc đi tìm kiếm thuốc rất khó khăn và nguy hiểm, chính vì thế, nhiều người đã đưa một số cây quý về trồng tại vườn nhà. Hiện tại, trong khu vườn của gia đình bà Ngân có khoảng 3-4 loại cây thuốc quý. 

Cách để làm nên các bài thuốc Nam của người Dao cũng không cầu kỳ, dược liệu sau khi được thu hái từ rừng về sẽ được bà con rửa sạch và phơi khô, sau đó băm chặt thành những kích cỡ khác nhau sao cho phù hợp với mục đích sử dụng. Mỗi khi có người đến mua thì bà con đóng gói và trực tiếp hướng dẫn người bệnh cách sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Đến nay, bà Ngân đang nắm giữ hàng chục bài thuốc Nam gia truyền của dân tộc Dao quần chẹt, chủ yếu là thuốc dành cho phụ nữ sinh đẻ, thuốc dạ dày, xương khớp... Nhiều người từ các huyện lân cận như Cẩm Thủy, Bá Thước, Lang Chánh… nghe tay nghề của bà cũng đến tận nhà để được bà cắt thuốc chữa bệnh. Đối với ai bà cũng nhiệt tình bắt bệnh và bốc thuốc, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn bà không lấy tiền, bởi thế, bà luôn được người dân tin tưởng và dành cho nhiều sự yêu mến. 

Chuyện làm kinh tế của phụ nữ làng Dao  - Ảnh 7.

Có thể nói, dù trong điều kiện thực tế ở mỗi địa phương khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, cách làm kinh tế khác nhau, nhưng hầu hết chị em phụ nữ dân tộc Dao ở Thanh Hóa đã có nhiều đổi thay trong tư duy, cách nghĩ, cách làm;  biết sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả; mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao thu nhập... Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của các hộ gia đình người Dao ngày càng nâng cao và vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Nguồn: Chương trình tổng hợp dành cho ĐBDT thiểu số