Còn mãi với thời gian

16:54 - 14/03/2024

Nằm trên vùng đất Bất Quần xưa, nay là phường Quảng Thịnh (thành phố Thanh Hóa), danh thắng núi Voi mang vẻ đẹp thiên tạo đặc biệt: “Giữa nơi đất bằng đột nhiên mọc lên ngọn núi rất cao, vẻ đẹp lạ, trông tựa một con voi phục”. Dưới chân núi Voi là không gian văn hóa với quần thể các di tích, dấu tích lịch sử, văn hóa giàu giá trị, như chùa Voi, phủ Voi...

Danh thắng núi Voi nằm trên địa bàn phố Trường Sơn, phường Quảng Thịnh. Nơi đây buổi ban đầu có tên làng Voi, sau là Tượng Sơn, rồi Thọ Sơn, Trường Tại và ngày nay là Trường Sơn. Lý giải cho tên gọi làng Voi xưa, lưu truyền dân gian tại vùng đất này còn kể lại: Tên làng gắn liền với câu chuyện dân gian về cuộc chiến đấu của nghĩa quân Bà Triệu năm xưa. Trong một lần nghĩa quân bị giặc truy kích không thể qua sông, voi chiến đã nằm phủ phục, hóa đá tạo thành núi Voi để chặn bước chân kẻ thù. Cũng từ đấy, nơi đây có tên làng Voi.

Còn mãi với thời gian- Ảnh 1.

Danh thắng núi Voi nằm ở vị trí khá đặc biệt. Sát chân núi Voi về phía Tây là sông đào nhà Lê. Xưa kia có bến Phù, bến Đình, nơi giao thương buôn bán tấp nập hàng hóa từ phía Bắc vào, phía Nam ra. Cũng trên sông nhà Lê dưới chân núi Voi năm xưa là nơi bốc xếp hàng hóa phục vụ hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc.

Còn mãi với thời gian- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyên Bí thư chi bộ phố Trường Sơn, phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hoá

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyên Bí thư chi bộ phố Trường Sơn, phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hoá cho biết: "Mảnh đất này phía trước có một con lộ, đi từ ngã ba Voi vào Nông Cống, sau lưng là sông Nhà Lê. Nhân dân đã lập Đền thờ công chúa Liễu Hạnh để ghi công, thờ cúng bà. Tại vị trí này có núi Voi nên người ta gọi là ngã ba Voi, trên núi Voi có chùa Phúc Lâm tự để Nhân dân ở xã Bất Quần (trước kia), nay là phường Quảng Thịnh và  du khách thập phương lấy nơi thờ tự".

Chùa Phúc Lâm, người dân trong vùng vẫn thường gọi là chùa Voi. Chùa được dựng xây dưới thời Lê Trung Hưng, gắn liền với công lao của Quận công Hoàng Bùi Hoàn - vị đại quan xuất thân trong gia đình "danh gia vọng tộc" ở vùng đất Lưu Vệ xưa nay là xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương. Trước đây, chùa phía ngoài có gác chuông 8 mái uốn cong, sàn gác lát ván dày, có lan can gỗ xung quanh, chuông treo trên gác chuông của chùa, đúc vào triều Gia Long (1802-1820). Hai bên gác chuông là vườn chùa, có bia đá, khánh đá chạm khắc tinh xảo, sân chùa lát gạch. Bên trong chùa có hệ thống tượng thờ, hoành phi, câu đối, đặc biệt là sự hiện hữu của hai pho tượng đá.

Còn mãi với thời gian- Ảnh 3.

Chùa Voi

Nằm dưới chân núi Voi về phía Tây, ngoảnh nhìn ra sông nhà Lê hiền hòa là phủ Voi. Không có nhiều tài liệu khẳng định chắc chắn về thời gian khởi dựng phủ Voi. Tuy nhiên, đầu thế kỷ XX, dưới thời vua Bảo Đại nhà Nguyễn, phủ Voi đã được người dân trong vùng đóng góp kinh phí trùng tu. Do biến thiên thời gian, lịch sử, cuối thế kỷ XX, phủ Voi từng bước được tôn tạo lại trên nền móng cũ. Phủ Voi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, phía dưới cạnh bờ sông có miếu thờ Mẫu Thoải. Di tích là nơi từng "chứng kiến" những đóng góp tinh thần, vật lực của không chỉ người dân làng Voi trong hai cuộc chiến tranh của dân tộc. Bao năm trôi qua, phủ Voi vẫn là điểm tựa tâm linh, điểm đến vãn cảnh, chiêm bái của du khách gần xa.

Còn mãi với thời gian- Ảnh 4.

Nhắc đến không gian văn hóa dưới chân danh thắng núi Voi, không thể không kể tới đền thờ Quan Trạng nguyên Trịnh Tuệ. Ông đỗ đạt làm quan dưới triều Lê - Trịnh. Khi về già, ông sống trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Voi, mở lớp dạy học, được học trò xa gần biết tới, nhiều người nhờ học ông mà đỗ đạt, làm quan. Kính mến tài đức của vị quan Trạng - thầy dạy học họ Trịnh, sau khi ông mất hậu thế đã lập dựng đền thờ tưởng nhớ, người dân thường gọi là đền thờ Quan Trạng hay nghè thờ Quan Trạng.

Còn mãi với thời gian- Ảnh 5.

Bên cạnh đó là khu văn chỉ của huyện Quảng Xương được đặt ở phía Đông Nam chân núi Voi – nơi đặt bia khắc danh tính 8 vị đỗ đại khoa, được xây dựng vào giữa thế kỉ XVIII. Việc ghi danh những người đỗ đạt trong học hành khoa cử là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta nhằm tôn vinh sự học và khuyến khích tinh thần hiếu học cho thế hệ trẻ.

Còn mãi với thời gian- Ảnh 6.

Kế thừa và phát huy truyền thống làng Voi xưa, cứ vào tháng 2 hàng năm, phố Trường Sơn, phường Quảng Thịnh lại tổ chức lễ hội, một nét đẹp văn hoá truyền thống những ngày đầu xuân năm mới trong sự háo hức, mong chờ của những người dân làng Voi và du khách thập phương. Sau nghi thức dâng lễ Thành hoàng làng - một phần quan trọng trong Hội làng Voi là đến phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc, cùng các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, cõng nhau ăn dưa, đi xe đạp chậm, đá bóng cầu môn…. tạo nên bầu không khí vô cùng sôi động. Có thể nói, việc duy trì tổ chức lễ hội truyền thống "Làng Voi xưa – Trường Sơn nay" đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của di tích nói chung và của Làng Voi nói riêng.

Với những giá trị đặc biệt, năm 1996, núi Voi đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và danh thắng. Trên nền móng cũ và hiện vật còn lưu giữ, các di tích dưới chân núi Voi đã từng bước được tôn tạo hoàn chỉnh, phát huy giá trị, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Làng Voi xưa ông cha xây nền móng

        Trường Sơn nay con cháu dựng tương lai

Nguồn: Chuyên mục Văn hoá nghệ thuật/TTV