Công nghệ hạ thủy phân trong sản xuất mật ong

22:08 - 28/02/2024

Với những lợi thế về đất rừng tự nhiên và rừng trồng khá lớn, Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi ong mật hiệu quả. Các sản phẩm cũng được quan tâm chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ mới, nổi bật là công nghệ hạ thủy phần, góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

Việc bảo quản mật ong lâu dài là bài toán khó, hơn nữa do mật ong thô chưa qua sơ chế còn lẫn tạp chất để lâu dễ gây lên men, chua, tạo khí ga và kết tinh. Trăn trở tìm giải pháp bảo quản mật ong, hợp tác xã (HTX) dịch vụ thương mại ong mật Cẩm Thủy đã đầu tư máy hạ thủy phần trong sản xuất mật, máy có tác dụng chiết xuất, loại bỏ các tạp chất trong mật ong giúp cho sản phẩm nâng cao giá trị. Việc đưa máy móc tiên tiến thay thế thiết bị thủ công truyền thống đã tạo ra sản phẩm mật ong thiên nhiên, chất lượng, hòa quyện sánh mịn, vàng óng, hương vị thơm ngon hơn nhiều so với mật được quay thủ công và tạo nên sản phẩm riêng biệt. Vì vậy, sau gần 4 năm đi vào hoạt động, đàn ong của HTX luôn duy trì ổn định với số lượng hàng nghìn đàn, cho sản lượng mật hàng chục tấn mật/năm, sản phẩm mật ong của HTX đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Đồng thời, HTX cũng đã nhanh chóng tiếp cận và kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các kênh bán hàng trực tuyến nhằm quảng bá thương hiệu mật ong đất Cẩm.

Công nghệ hạ thủy phân trong sản xuất mật ong- Ảnh 1.

Ông: Trương Thanh Hải, Giám đốc HTX DVTM ong mật Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Áp dụng khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm của các thành viên trong HTX nuôi ong mật, nên chai mật ong khi đã đủ điều kiện, đạt được chất lượng OCOP 3 sao".

Anh Trịnh Hữu Toa, HTX DVTM ong mật Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "HTX đã áp dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật, đạt được năng suất cao".

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từ rừng, Anh Nguyễn Văn Hưởng xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành đứng ra thành lập HTX mật ong Hưởng Hoa với 18 thành viên. Hiện nay, sản phẩm mật ong hoa nhãn của HTX được biết đến "sạch" thuần khiết tự nhiên không hóa chất, không phẩm màu, không chất bảo quản. Để có được những kết quả này, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm là một trong những tiêu chuẩn quan trọng tạo dựng uy tín để tiêu thụ sản phẩm, HTX đã có những bước đi đột phá trong việc xây dựng thương hiệu mật ong cho riêng mình. Để cho ra nguồn mật ong thiên nhiên đạt chất lượng cao, anh Hưởng kết hợp với các thành viên đầu tư hệ thống máy hạ thủy phần, đây là công nghệ xử lý từ mật ong thô trở thành mật ong tinh nguyên chất, mỗi sản phẩm đều có tem nhãn, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được cơ quan chức năng chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn OCOP. Trung bình, HTX ong mật Hưởng Hoa sản xuất khoảng 20 tấn/năm. Chính vì HTX mật ong Hưởng Hoa đã có thương hiệu trên thị trường, góp phần đưa các sản vật của địa phương đến gần hơn với khách hàng.

Công nghệ hạ thủy phân trong sản xuất mật ong- Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Hưởng, Xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Trong thời gian nuôi ong, gia đình đã đầu tư hệ thống máy móc, mật ong đã đảm bảo được chất lượng, không bị lên ga, sủi bọt, không bị cay chua. Tiến tới, HTX sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống máy móc, mẫu mã sản phẩm, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, cung cấp sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng".

Công nghệ hạ thủy phân trong sản xuất mật ong- Ảnh 3.

Ông Vũ Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa

Ông Vũ Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thành Hưng có chủ trương đầu tư cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt chú trọng vào chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP". Qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, các HTX đã nâng cao được giá trị, thương hiệu cũng như sản phẩm".

Những năm gần đây, nghề nuôi ong mật trên địa bàn tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, tập trung chủ yếu ở những địa phương có tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn rừng và vùng trồng cây ăn quả. Từ việc phát triển nghề nuôi ong lấy mật, người dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các máy móc hiện đại vào xử lý các công đoạn nhằm xây dựng thành công "thương hiệu" cho sản phẩm mật ong được người tiêu dùng ưa chuộng.

Công nghệ hạ thủy phân trong sản xuất mật ong- Ảnh 4.

Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mai An Tiêm, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Sau khi áp dụng công nghệ vào sản xuất, chất lượng mật ong được nâng lên, đưa ra thị trường được khách hàng sử dụng và tiêu thụ. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh, dự kiến sản phẩm tiêu thụ từ 50-70 tấn trong năm tới".

Với sự mạnh dạn trong áp dụng khoa học kỹ thuật, các doanh nghiệp, HTX cũng đã đưa công nghệ hạ thủy phần vào quá trình sản xuất vì nó có ưu điểm vượt trội so với các công nghệ cũ, chất lượng dinh dưỡng và màu sắc được bảo đảm. Vì vậy, các địa phương cũng đang khuyến khích người dân phát triển liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng mật, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần nâng vị thế sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người dân.


Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ ngày 23/02/2024