Công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa địa phương

14:50 - 02/06/2022

(TTV) - Giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, trong đó có truyền thống của địa phương là một trong những nội dung quan trọng về công tác tư tưởng của Đảng. Việc làm này nhằm góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc và niềm tin vững chắc vào Đảng, vào sự nghiệp cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để từ đó mỗi người sẽ thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

 

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa nằm ở số 206 Trường Thi, phường Lam Sơn, Thành phố Thanh Hóa. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã làm tốt công tác sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và trưng bày hiện vật từ thời tiền sử đến ngày nay. Hệ thống hiện vật ở đây khá đa dạng, phong phú, với nhiều cổ vật, bảo vật quốc gia, có giá trị lớn trong đời sống văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước.

Khu trưng bày chính của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện có 7 phòng với gần 30.000 hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập độc đáo, quý hiếm của các nền văn hóa, từ thời kỳ tiền sử, sơ sử, bước sang giai đoạn phong kiến; cũng như trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và xây dựng xã hội chủ nghĩa sau này của Thanh Hóa. Bảo tàng tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu tham quan của du khách trong và ngoài tỉnh, đồng thời trở thành địa điểm nghiên cứu khoa học và tuyên truyền văn hóa, lịch sử.

Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tập trung vào công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày hiện vật, tham gia nghiên cứu khảo cổ. Trong đó, hoạt động nổi bật nhất là phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu, khai quật khảo cổ học tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Công tác khai quật khảo cổ học đã góp phần làm rõ giá trị của các di tích, thu được nhiều hiện vật cho kho bảo quản, nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học lâu dài và trưng bày tuyên truyền. Tính từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã sưu tầm thêm được 13.000 hiện vật, lập hồ sơ và bổ sung hồ sơ hoàn thành theo đúng quy định hiện vật Bảo tàng.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo thêm sức hút đối với công chúng tham quan, làm tốt chức năng giáo dục. Nhờ những nỗ lực không ngừng, hiện nay, du khách đến với Bảo tàng ngày càng đông; đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên.

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh được phục dựng trên nền móng công trình cổ có từ hơn 600 năm trước; đây là nơi hội tụ tinh hoa, giá trị lịch sử văn hóa dân tộc, niềm tự hào của người xứ Thanh. Ngoài những lăng tẩm, đền miếu có chức năng tín ngưỡng, mang ý nghĩa tri ân tiên tổ Nhà Hậu Lê, khu di tích còn có cảnh quan thiên nhiên hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc. Mỗi di tích, mỗi cây xanh ở đây là một thông điệp của quá khứ gửi tới hôm nay và mai sau về lòng tự hào dân tộc. Với giá trị to lớn ấy, Lam Kinh đang tạo sức hút đặc biệt đối với mỗi du khách khi đến với vùng địa linh nhân kiệt này.

Đầu tháng 4/2022, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tổ chức lễ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh. Trên thực tế, ứng dụng quét mã vạch với những thông tin, hình ảnh được tái hiện sinh động, hoàn chỉnh và sẵn sàng trên các kho ứng dụng của Apple Store, Google Play… phục vụ công cuộc tìm kiếm, lựa chọn và trải nghiệm hành trình của du khách trên phạm vi toàn cầu đã được ứng dụng thử nghiệm tại Lam Kinh từ trước.

Đến nay các ứng dụng này được nâng cấp hơn với tính năng trải nghiệm du lịch bằng công nghệ thực tế ảo, đã tạo nhiều tiện ích cho du khách khi tìm kiếm và tra cứu thông tin du lịch tại các điểm đến tham quan.

Trong 27 huyện thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nơi nào cũng có các nhà truyền thống để nhân dân đến tham quan thưởng lãm, hiểu biết thêm các kiến thức lịch sử và bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước. Nâng cao chất lượng hoạt động của bảo tàng, nhà truyền thống là góp phần tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ biết trân trọng, gìn giữ các giá trị vật chất, tinh thần mà cha ông để lại, được tìm hiểu, thấm nhuần những bài học kinh nghiệm trong quá khứ. Bởi vậy, các bảo tàng, nhà truyền thống hay các khu di tích lịch sử cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tổ chức tốt công tác trưng bày, đổi mới hoạt động theo hướng đa dạng hóa như: xây dựng chương trình thuyết minh phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau, công chiếu phim tư liệu, tọa đàm, thuyết trình, hội thảo, tái hiện lễ hội... Và đặc biệt, để phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay, các bảo tàng, nhà truyền thống cần liên kết với các đơn vị du lịch lữ hành để xây dựng  thành điểm đến phục vụ du khách.

Bảo tàng, nhà truyền thống hay các khu di tích lịch sử, danh thắng đều là những nơi lưu dấu thời gian với những thăng trầm lịch sử của quê hương; cũng là nơi chứa đựng những giá trị cốt lõi vĩnh hằng mà cha ông dày công tạo dựng; làm tiền đề cho cháu con tiếp tục xây dựng quê hương đất nước trong thời đại mới.

Những di sản văn hóa này được trao truyền qua nhiều thế hệ, chứa đựng nhiều thông điệp về quá khứ, kết tụ tinh hoa văn hóa phong phú và đặc sắc của xứ Thanh. Đây là những minh chứng thuyết phục nhất về tinh thần yêu nước, tình yêu lao động và sự cống hiến cao cả của các thế hệ cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hi vọng rằng, hệ thống bảo tàng, nhà truyền  thống, các khu di tích lịch sử, danh thắng của tỉnh Thanh Hóa sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình, phục vụ có hiệu quả vì sự phát triển chung của xã hội, của con người, vì nền văn hóa đậm đà bản sắc xứ Thanh./.

Thu Trang – Đức Anh/Chuyên mục Xây dựng Đảng 27.5