Công tác xã hội trong bệnh viện chuyên nghiệp, sáng tạo và phát triển

Từ năm 2016, ngày 25/3 hàng năm được lấy là ngày Công tác xã hội Việt Nam. Công tác xã hội là nghề còn khá mới mẻ ở nước ta, nhưng đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong các lĩnh vực xã hội. Đối với ngành Y tế, hoạt động công tác xã hội dù ra đời chưa lâu nhưng đã góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết trong chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của người dân.

Công tác xã hội trong bệnh viện chuyên nghiệp, sáng tạo và phát triển

Hình ảnh những nhân viên luôn tất bật hướng dẫn các bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa dường như đã quá quen thuộc đối với rất nhiều người. Tuy nhiên không phải ai cũng biết đó là những nhân viên làm công tác xã hội trong bệnh viện. 

Công tác xã hội trong bệnh viện chuyên nghiệp, sáng tạo và phát triển - Ảnh 2.

Phòng công tác xã hội, bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa được thành lập từ năm 2020 trên cơ sở Tổ công tác xã hội trực thuộc phòng điều dưỡng. Công tác xã hội có đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế trong giải quyết các vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh của bệnh viện.

Công tác xã hội trong bệnh viện chuyên nghiệp, sáng tạo và phát triển - Ảnh 3.

Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Bệnh viện Đa khoa tỉnh xác định công tác xã hội trong bệnh viện là yếu tố phát triển bền vững của bệnh viện. Chính vì vậy bệnh viện đã chỉ đạo phòng công tác xã hội thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, trong đó hỗ trợ chăm sóc người bệnh, đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao hiểu biết người dân".

Tại hội thảo "Công tác xã hội trong bệnh viện chuyên nghiệp, sáng tạo và phát triển" được tổ chức mới đây, lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: hiện nay trong số 38 bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 11 bệnh viện thành lập phòng công tác xã hội và 27 bệnh viện thành lập tổ công tác xã hội. 

Công tác xã hội trong bệnh viện chuyên nghiệp, sáng tạo và phát triển - Ảnh 4.

Tuy nhiên, nhân lực làm công tác xã hội trong bệnh viện còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản, hoạt động có nơi còn chưa thực chất. Mục tiêu của ngành y tế là tiếp tục chuẩn hóa công tác xã hội trong bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Công tác xã hội trong bệnh viện chuyên nghiệp, sáng tạo và phát triển - Ảnh 5.

Tiến sĩ Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở y tế Thanh Hóa

Tiến sĩ Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở y tế Thanh Hóa cho biết: "Để nâng cao chất lượng công tác xã hội, tiếp tục làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức trong các cơ sở y tế, phát triển các nguồn lực công tác xã hội bao gồm phát triển đội ngũ làm công tác xã hội, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện để người làm công tác xã hội làm tốt hơn. Làm tốt công tác truyền thông kết nối".

Khi xã hội càng phát triển thì vai trò của công tác xã hội nói chung và công tác xã hội trong bệnh viện nói riêng ngày càng cần thiết, nhằm hỗ trợ các nhóm đối tượng khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất, là cầu nối để giải quyết các mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. 

Công tác xã hội trong bệnh viện chuyên nghiệp, sáng tạo và phát triển - Ảnh 6.

Do vậy, công tác xã hội cần được quan tâm hơn nữa, góp một phần vào công cuộc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.



Nguồn: Bản tin thời sự tối TTV