Công ty Cổ phần giống cây trồng Thanh Hóa đẩy mạnh nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng chất lượng cao

18:00 - 24/03/2023

Với phương châm lấy khoa học và công nghệ làm cơ sở, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thanh Hóa đã tập trung nghiên cứu và cho ra thị trường nhiều giống cây trồng mới, có giá trị cao, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia được lưu hành thương mại hóa.

Thực hiện Đề tài "Nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần Thanh Hương ngắn ngày, năng suất chất lượng tỉnh Thanh Hóa", đội ngũ kỹ sư của công ty Cổ phần giống cây trồng Thanh Hóa đã chọn tạo thành công giống lúa thuần mới Thanh Hương. Ưu điểm của giống lúa Thanh Hương là năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu tốt đối với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận, có khả năng thích ứng rộng, phù hợp với nhiều vùng sinh thái từ các tỉnh phía Bắc, các tỉnh miền Trung và duyên hải Nam Trung bộ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, Công ty cung cấp cho thị trưởng khoảng 100 tấn lúa giống Thanh Hương.

Công ty Cổ phần giống cây trồng Thanh hóa đẩy mạnh nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng chất lượng cao - Ảnh 2.

Năm 2020, Công ty Cổ phần giống cây trồng Thanh Hóa đã triển khai Dự án "Nghiên cứu, hoàn thiện biện pháp kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất một số loài hoa chịu nhiệt phục vụ cảnh quan đô thị Thanh Hóa". Đến thời điểm này, Công ty đã thu nhập, tuyển chọn được một số giống hoa có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh, màu sắc hoa đẹp, chịu được nắng nóng, nhiệt độ cao, phù hợp trồng ở các vùng đô thị. Điển hình là Công ty đã ghép được hơn 4.000 cây hoa giấy 5 màu, sản xuất đến đâu bán hết đến đó, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho hàng chục hộ dân trong tỉnh.

Công ty Cổ phần giống cây trồng Thanh hóa đẩy mạnh nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng chất lượng cao - Ảnh 3.

Từ năm 2017 đến nay, Công ty có 6 đề tài nghiên cứu khoa học, chọn tạo thành công chủ yếu là các giống lúa, giống đào kép… Để tạo điều kiện cho đội ngũ kỹ sư nghiên cứu khoa học, Công ty đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm, trại, phòng thử nghiệm chất lượng giống cây trồng nông nghiệp, xây dựng hệ thống khí lạnh bảo quản hàng ngàn tấn hạt giống/năm. Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ là các giống lúa mới cho nông dân; mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, thâm canh lúa đạt hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Công ty Cổ phần giống cây trồng Thanh hóa đẩy mạnh nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng chất lượng cao - Ảnh 4.

Có thể thấy rằng, việc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thanh Hóa nghiên cứu, chuyển giao những giống cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết từng vùng, từng khu vực đã góp phần vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, đem đến lợi ích thiết thực cho người trực tiếp sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của công ty cũng còn nhiều khó khăn: Thời gian nghiên cứu sản phẩm nông nghiệp khoa học và công nghệ kéo dài từ 3 đến 5 năm; trong khi đó chịu ảnh hưởng, tác động rất lớn bởi điều kiện thời tiết, khí hậu nên rủi ro rất cao. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách  hỗ trợ cho phát triển khoa học và công nghệ hạn chế. Chính vì vậy, để các doanh nghiệp khoa học và công nghệ "sống khỏe" và tạo ra các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, thì việc xây dựng hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách ưu đãi sẽ là những yếu tố hết sức quan trọng.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ ngày 24/03/2023