Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao

19:00 - 24/03/2019

(TTV) - "Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh Lao", đó là chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống Lao năm nay (24/3). Trên thực tế, những năm qua công tác phòng chống lao đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị và quản lý nhưng bệnh lao vẫn là một vấn đề sức khỏe toàn cầu.

Hàng tháng, các cán bộ Trạm y tế thị trấn Quảng Xương đều có hoạt động tư vấn, khám sàng lọc nhằm phát hiện ra những bệnh nhân mắc lao để đưa vào quản lý, điều trị kịp thời. Trong năm 2018 trạm đã khám cho 36 trường hợp và phát hiện 2 trường hợp nghi mắc lao.

Năm 2018, Thanh Hóa có gần 2.800 bệnh nhân mắc bệnh lao. Còn tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa hiện đang điều trị cho 1.477 bệnh nhân. Theo phác đồ điều trị, một bệnh nhân lao phải điều trị trung bình 6 tháng, nếu bị kháng thuốc thì thời gian này có thể lên tới 9 tháng đến gần 2 năm. Người nhiễm lao có nguy cơ bị bệnh lao 10% trong suốt cuộc đời, những đối tượng có suy giảm miễn dịch nhiễm lao có nguy cơ bị bệnh lao cao hơn. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời và đúng phương pháp thì người bệnh có thể khỏi hoàn toàn.

Mặc dù trong nhưng năm qua tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực trong phòng chống lao. Tuy nhiên, hoạt động chống lao trên địa bàn tỉnh đang gặp phải những khó khăn, thách thức lớn, đó là việc quản lý bệnh nhân lao đa kháng thuốc, bệnh lao ở người nhiễm HIV, và việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống bệnh lao tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn. Đặc biệt là việc nhận thức của người dân về bệnh lao.

Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới: đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Bởi vậy, ngành y tế, các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư phải “cùng hành động để tiến tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”.

Cẩm Thơ – Văn Tráng – Minh Tâm