Cuộc sống mới của đồng bào người Dao Thanh Hóa

15:24 - 15/03/2023

Ở Thanh Hóa, người Dao có trên 10 ngàn người, sinh sống chủ yếu ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy và Mường Lát. Những năm qua, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số Thanh Hóa, nói chung, người Dao nói riêng đã được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống. Theo đó, diện mạo nông thôn mới ngày một hiện hữu rõ nét nơi làng bản của người Dao.

Khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc là nơi sinh sống của người Dao quần chẹt Thanh Hóa. Cả khu phố hiện có 243 hộ với trên 1.045 nhân khẩu. Cũng như các dân tộc anh em khác, đồng bào Dao Hạ Sơn luôn siêng năng, cần cù, chăm chỉ trong làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới; đặc biệt, bà con rất tâm huyết với việc gìn giữ nghề truyền thống cũng như những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. 

Cuộc sống mới của đồng người Dao Thanh Hóa - Ảnh 2.

Gia đình bà Phùng Thị Ngân là một trong những hộ phát triển kinh tế giỏi ở khu phố Hạ Sơn. Nhiều năm trước, gia đình bà Ngân cũng thuộc diện hộ nghèo, nguồn thu chủ yếu chỉ trông chờ vào diện tích trồng ngô nên đời sống khá bấp bênh. Sau khi được sự tuyên truyền, vận động của cán bộ xã, khu phố, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư phát triển cây keo, nuôi thêm con gà, con lợn. 

Cuộc sống mới của đồng người Dao Thanh Hóa - Ảnh 3.

Hiện, hơn 1 ha trồng keo của gia đình bà Ngân đã cho thu hoạch, đem lại hơn 100 triệu đồng; sản lượng từ việc trồng ngô mỗi năm cũng cho thu hoạch từ 6 đến 7 tấn, nguồn thu khoảng 50 triệu đồng. Đặc biệt, phát huy nghề bốc thuốc nam truyền thống của gia đình, bà Phùng Thị Ngân đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người, từ đó mà gia đình bà  có thêm nguồn thu, đời sống khấm khá hơn. 

Bà Phùng Thị Ngân, Khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa

Ở khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, nghề bốc thuốc nam của người Dao không chỉ là một nghề truyền thống cần gìn giữ mà còn trở thành một nghề giúp người dân phát triển kinh tế. Hiện, cả khi phố có khoảng hơn chục hộ làm nghề bốc thuốc nam, nguồn thu tuy không đáng kể nhưng ai cũng vui vì nghề của cha ông được gìn giữ và giúp đỡ được nhiều người.

Ở Ngọc Lặc có 3 khu phố, làng Dao nhưng Hạ Sơn là nơi phát triển hơn cả về mọi mặt. Người Dao Hạ Sơn nhiều năm trước chủ yếu làm nông nghiệp nhưng sau khi có các nhà máy, khu công nghiệp đóng trên địa bàn hoạt động thì bà con hầu hết tham gia làm công nhân. Hiện gia đình nào ở Hạ Sơn cũng có người đi làm công nhân, có nhà từ 3 đến 4 người. Nhờ đó, đời sống của bà con khá ổn định, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, hiện chỉ còn 11 hộ.

Ông Phạm Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Hiện nay, phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới đã lan rộng khắp các thôn, bản ở miền núi Thanh Hóa. Hầu như ở địa phương nào cũng xuất hiện những tấm gương làm kinh tế giỏi, những điển hình làm theo lời Bác… Họ không chỉ nỗ lực vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn có nhiều đóng góp cho quê hương, làng bản.

Nhìn vườn cây xanh tốt đang cho những trái ngọt, cho đến bây giờ, chị Triệu Thị Tâm ở thôn Đồng Thanh, xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy vẫn chưa thể tin được mình lại có được thành quả như ngày hôm nay.

Nhiều năm về trước, chị Triệu Thị Tâm về làm dâu ở Đồng Thanh, kinh tế nhà chồng cũng thuộc diện khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, vợ chồng chị Tâm luôn bảo ban nhau để có điều kiện chăm lo cho con cái, xây dựng gia đình ấm no. Nhận thấy địa phương chưa có nhiều mô hình trồng cây ăn quả nên chị đã mạnh dạn cùng chồng ra tận tỉnh Hưng Yên để mua giống ôi lê và táo Đài Loan về trồng. Sau một thời gian trồng và chăm sóc, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, vườn cây của gia đình chị Tâm đã cho thu hoạch. Những sản phẩm táo và ôi của gia đình chị Tâm vừa ngon, đảm bảo an toàn, giá cả hợp lý nên hầu như cung không đủ cầu. Mặt khác, với sự nhạy bén trong làm ăn, chị Tâm còn đăng bán các sản phẩm của gia đình làm ra trên các mạng zalo, facebook và ship đến tận tay của khách hàng. 

Là một người ham học hỏi và cầu tiến, sau khi có vốn, chị Triệu Thị Tâm lại cùng chồng đầu tư chăn nuôi dê. Ban đầu, gia đình chị nuôi 20 con, dần dà nhờ có kinh nghiệm và tìm được đầu ra ổn định, gia đình đã nuôi lên 70 con. Hiện nay, mỗi năm nguồn thu từ chăn nuôi và trồng trọt của gia đình chị Tâm cũng vài trăm triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 150 triệu đồng. Giờ đây, chị đã có điều kiện xây được ngôi nhà mới và mua sắm các đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt.

Làng Hạ Sơn, thuộc xã Pù Nhi, huyện Mường Lát là một điểm sáng về sự nỗ lực vươn lên, xóa đói giảm nghèo ở vùng cao Thanh Hóa, nói chung và người Dao nói riêng. Từ một bản khó khăn, nghèo đói, sau nhiều năm nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền huyện Mường Lát và Bộ đội Biên phòng Pù Nhi đóng chân trên địa bàn, đến nay, Hạ Sơn đã trở thành một bản nông thôn mới nơi vùng biên. 

Cuộc sống mới của đồng người Dao Thanh Hóa - Ảnh 7.

Sau hơn 25 năm xuống định cư ở bản Hạ Sơn, người Dao đã thay đổi rất nhanh theo hướng tích cực. Từ 5 hộ đồng bào Dao ngày đầu "xuống núi" lập bản mới theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước nay đã thành 51 hộ với 229 nhân khẩu. Nhờ có đường giao thông thuận lợi, 100% hộ dân có điện lưới quốc gia sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất, 100% trẻ em trong độ tuổi được đi học và trên 80% học hết cấp 3, dịch vụ y tế, thông tin liên lạc… Năm 2020, Hạ Sơn đã đón nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là bản Dao đầu tiên ở Thanh Hóa được công nhận bản nông thôn mới.

Triệu Văn Lĩu, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Hạ Sơn, Pù Nhi, Mường Lát, Thanh Hóa cho biết: "Bản thân tôi ở thôn, bản, cũng vừa là lãnh đạo, chỉ đạo ở địa phương, tôi luôn có cách làm để bà con phấn khởi, nhiệt tình tham gia các hoạt động chung, không vi phạm pháp luật, tự vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, bản Hạ Sơn có 3 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Chúng tôi phấn đấu trong thời gian gần nhất, bản Hạ Sơn sẽ không có hộ nghèo".

Cuộc sống mới của đồng người Dao Thanh Hóa - Ảnh 8.

Dù còn đó những khó khăn nhưng đời sống của người Dao Thanh Hóa đang đổi thay từng ngày. Đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế; bản sắc văn hóa dân tộc luôn được gìn giữ và phát huy; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển. Chắc chắn với những nỗ lực cố gắng của cán bộ, đảng viên và người dân, trong tương lai không xa, các làng bản người Dao sẽ bứt phá đi lên, phấn đấu trở thành những thôn bản nông thôn mới văn minh, giàu đẹp.

Nguồn: Chuyên mục Câu chuyện vùng cao tháng 3/2023