Đa dạng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu

08:49 - 13/07/2020

(TTV) - Cùng với việc hỗ trợ xây dựng nhà tránh trú bão cho người dân, Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" do Quỹ khí hậu xanh GCF tài trợ không hoàn lại đã nhân rộng và phát triển nhiều mô hình tạo sinh kế dựa vào cộng đồng cho người dân các huyện ven biển tỉnh Thanh Hóa.

 

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Tái, xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn nuôi ong theo kinh nghiệm học hỏi truyền thống từ người dân địa phương. Cuối năm 2019, khi tham gia mô hình nuôi ong mật do Quỹ khí hậu xanh GCF tài trợ, gia đình ông Tái được hỗ trợ 5 đàn ong để gây giống và thức ăn dưỡng ong trong 2 tháng đầu tiên, đồng thời được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi ong theo phương pháp khoa học. Sau hơn nửa năm, đến nay, từ 5 đàn ong ban đầu, ông Tái đã được nhân lên 10 đàn và bắt đầu cho thu hoạch 2 lần, sản lượng khoảng 60 kg mật, cho thu nhập hơn 15 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Tái, Xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tôi được thụ hưởng theo dự án nuôi ong mật nội địa của dự án trồng rừng ngập mặn. Được thụ hưởng chương trình thì thứ nhất là có việc làm, phù hợp với sức khỏe. Thứ hai là thu nhập hàng năm được nâng lên. Thứ 3 nữa là đảm bảo được môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tái, Xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ khi được thụ hưởng theo dự án nuôi ong mật nội địa của dự án trồng rừng ngập mặn, tôi vừa có việc làm phù hợp với sức khỏe vừa thu nhập hàng năm được nâng lên. Bên cạnh đó là đảm bảo được môi trường.

Đến nay, đã có 7 mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu do Quỹ khí hậu xanh GCF triển khai trên địa bàn các huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa với hơn 140 hộ gia đình được thụ hưởng, gồm các mô hình như: Nuôi tôm sú xen ghép cua xanh, nuôi tôm sú xen ghép cá rô phi, nuôi cua xanh thương phẩm, chăn nuôi vịt thịt... Trong đó, mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng xen ghép cá rô phi đang được đánh giá là mang lại hiệu quả cao, có khả năng chống chọi tốt với dịch bệnh và sự biến đổi bất thường của thời tiết.

Ông Nguyễn Viết Nghị, Điều phối viên dự án Quỹ khí hậu xanh GCF tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đối tượng được hỗ trợ là những người nghèo bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, bởi thiên tai, thứ 2 là những người có diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển bị ảnh hưởng bởi dự án trồng rừng ngập mặn. Sự lựa chọn này trên cơ sở họp dân để chọn đúng đối tượng. Chúng ta giúp người dân có những kiến thức để sau đó họ chia sẻ, học hỏi lẫn nhau phát triển mô hình. Bản thân khi dự án rút lui rồi thì người dân cũng có thể tự phát triển.
Ông Nguyễn Viết Nghị, Điều phối viên dự án Quỹ khí hậu xanh GCF tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đối tượng được hỗ trợ của Dự án là những người nghèo bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, bởi thiên tai. Thứ 2 là những người có diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển bị ảnh hưởng bởi dự án trồng rừng ngập mặn. Sự lựa chọn này trên cơ sở họp dân để chọn đúng đối tượng. Tham gia các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu giúp người dân có những kiến thức để sau đó họ chia sẻ, học hỏi lẫn nhau phát triển mô hình. 

 

Đối với phần lớn nông dân thì ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn là một điều gì đó xa lạ. Nhưng chính nhờ các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai đã không chỉ nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân địa phương trong việc bảo vệ môi trường, mà còn giúp họ nâng cao thu nhập, tạo sinh kế ổn định và lâu dài./.

Theo Bản tin Thanh Hóa ngày mới 13/7