Đa phần bệnh nhân bị glôcôm phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn

18:06 - 31/01/2024

Glôcôm là bệnh lý thị giác, đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù loà. Những tổn thương do bệnh glôcôm là không có khả năng hồi phục. Thế nhưng, hiện nay, đa phần bệnh nhân mắc glôcôm đến khám ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã tiến triển nặng, tổn thương thị giác.

Sau gần 1 năm xuất hiện các triệu chứng nhìn mờ, nhòe, bệnh nhân này mới đi khám mắt. Kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán bị glôcôm giai đoạn muộn, thị lực của bệnh nhân gần như mất hẳn. Mặc dù được phẫu thuật nhưng bệnh nhân không thể khôi phục được thị lực.

Đa phần bệnh nhân bị glôcôm phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn- Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đồng, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Bác sĩ Nguyễn Văn Đồng, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Đối với glôcôm góc đóng thì bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau nhức mắt nên bệnh nhân đi khám kịp thời. Tuy nhiên, với glôcôm góc mở thì bệnh diễn tiến âm thầm, đến khi bệnh nhân phát hiện thì bệnh đã nặng, mất thị lực, không thể phục hồi".

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, glôcôm là nguyên nhân đứng thứ 2 gây mù loà sau đục thuỷ tinh thể và là nguyên nhân hàng đầu gây mù không hồi phục. Không có thuốc điều trị hoặc phẫu thuật nào có thể phục hồi được những tổn thương chức năng và thực thể do glôcôm gây ra. Vì nguyên nhân sinh bệnh chưa rõ ràng nên không thể phòng bệnh glôcôm. Do đó, việc tầm soát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời có ý nghĩa quan trọng.

Đa phần bệnh nhân bị glôcôm phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn- Ảnh 2.

Các bác sĩ cho biết, những người có nguy cơ cao bị bệnh glôcôm bao gồm: người trên 35 tuổi; người có quan hệ ruột thịt với người bệnh glôcôm; người bệnh có tiền sử dùng corticoid kéo dài; người có bệnh đái tháo đường, cao huyết áp.

Nguồn: Bản tin TS 18h/TTV