Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và tại hội trường

19:53 - 22/10/2022

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 22/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá đã thảo luận ở tổ và thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 và một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023,  Đại biểu Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho rằng: Bức tranh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước năm 2022 rất sáng sủa, là điều kiện để Việt Nam phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 – 2025. Song với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, không chủ quan, thoả mãn, đại biểu Lại Thế Nguyên nhận thấy còn nhiều khó khăn vướng mắc cần phải tập trung tháo gỡ.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và tại hội trường  - Ảnh 2.

Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá

Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho biết, vấn đề thủ tục hành chính vẫn là vấn đề cần quan tâm, làm sao tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nhiều thủ tục hành chính còn kéo dài, nhiều thủ tục không cần thiết, để triển khai được dự án đầu tư, dù tổng mức đầu tư nhiều hay ít thời gian cũng phải từ 8 – 10 tháng chuẩn bị hồ sơ, thủ tục. Ngoài ra, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, chuyển đổi sử dụng đất còn thấp…Dù phải quản lý chặt đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Các đại biểu Quốc hội Thanh Hoá chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp, những điểm chưa phù hợp trong phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, sự bất cập và chồng chéo giữa các luật, cũng như sự thiếu vững chắc trong cơ cấu thuế, sự nan giải trong việc thiếu giáo viên. Đồng thời, đại biểu Quốc hội Thanh Hoá cũng cho rằng Chính phủ cần đưa ra các kịch bản để ứng phó với tình hình thế giới đang có nhiều biến động, trong khi Việt Nam là nước sẽ chịu sự tác động từ tình hình chung này theo chiều hướng trễ hơn so với nhiều quốc gia khác. Do đó, cần có sự chủ động để đảm bảo được các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và tại hội trường  - Ảnh 3.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cũng đã đưa ra quan điểm về nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện, sửa đổi những chồng chéo trong hệ thống pháp luật, nhất là các văn bản luật trong lĩnh vực đầu tư đối với đấu thầu, đầu tư công.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và tại hội trường  - Ảnh 4.

Đại biểu Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá

Buổi chiều, thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá cho rằng: "Tôi đề nghị bỏ tỷ lệ % người dân đồng thuận, mà chỉ cần quy định sáng kiến đó có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư, phù hợp với các quy định của pháp luật và được Ban công tác mặt trận ở thôn, tổ dân phố tán thành thì báo cáo trưởng thôn, tổ dân phố đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định".

Đại biểu Mai Văn Hải cũng đề nghị chỉ quy định bắt buộc 1 hình thức là tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố và nếu không đảm bảo tỷ lệ họp dân thì kết hợp thêm hình thức lấy phiếu đối với người không đi họp được.


Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 22/10/2022