Đảm bảo an toàn giao thông vụ mía 2023-2024

11:33 - 20/12/2023

Các xe chuyên chở mía nguyên liệu chằng buộc sơ sài, để mía rơi vãi xuống đường, chở hàng quá khổ, vượt quá chiều cao, chiều dài của thùng xe, để người đu bám, ngồi trên thùng xe…là những vi phạm khá phổ biến mỗi khi bước vào vụ ép. Để khắc phục những tồn tại trên, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng ở các vùng nguyên liệu, triển khai đồng bộ giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trong vụ ép 2023-2024.

Vụ ép 2023-2024 của Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn dự kiến có khoảng 500 ngàn tấn mía nguyên liệu. Với lượng nguyên liệu này, sẽ cần từ 190 đến 200 ô tô tải vận chuyển mía từ vùng nguyên liệu về nhà máy. 

Đảm bảo an toàn giao thông vụ mía 2023-2024- Ảnh 1.

Trước khi bước vào vụ ép, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn đã tổ chức ký hợp đồng vận chuyển với các hợp tác xã và hộ dân; xe tham gia hợp đồng vận chuyển phải đảm bảo các yêu cầu về đăng ký, đăng kiểm; lái xe phải có bằng lái; không ký hợp đồng với phương tiện quá hạn kiểm định, không đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Đảm bảo an toàn giao thông vụ mía 2023-2024- Ảnh 2.

Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn

Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn cho biết: "Ngoài những quy định của pháp luật, công ty áp dụng công nghệ thông tin 4.0 để kiểm soát, các xe đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trong quá trình thực hiện để chúng tôi kiểm soát từ đồng ruộng về đến nhà máy đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình nguyên vật liệu."

Song song với việc kiểm soát phương tiện ngay khi ký hợp đồng vận chuyển, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và công an các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho đội ngũ lái phụ xe nâng cao ý thức chấp hành quy định của Luật giao thông; tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm những lái xe vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, chở hàng quá khổ, quá tải.

Đảm bảo an toàn giao thông vụ mía 2023-2024- Ảnh 3.

Thượng tá Lê Bá Chân, Phó trưởng Công an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Thượng tá Lê Bá Chân, Phó trưởng Công an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thọ Xuân là địa bàn nhà máy đường Lam Sơn đóng chân, đây là vùng nguyên liệu lớn, chúng tôi sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động để nhân dân, các phương tiện vận tải chấp hành tốt công tác an ninh trật tự và an toàn giao thông."

Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn có vùng nguyên liệu lớn trải dài ở nhiều huyện khu vực miền núi. Trung bình quãng đường vận chuyển từ 30 km đến 70 km, chủ yếu đường đất, đi lại khó khăn. Thế nhưng, trong số gần 200 xe tham gia hợp đồng vận chuyển có tới hơn 60% phương tiện của các hộ trồng mía tự đầu tư; chỉ hoạt động 3 tháng phục vụ vụ ép nên việc đầu tư an toàn kỹ thuật phương tiện còn hạn chế. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra mất an toàn giao thông.

Đảm bảo an toàn giao thông vụ mía 2023-2024- Ảnh 4.

 

Nguồn: Bản tin THNM/TTV