Đảm bảo nguồn cung thực phẩm sạch dịp cuối năm

21:36 - 18/11/2023

Xác định nhu cầu tiêu thụ thực phẩm dịp cuối năm, đặc biệt là thời điểm tết Nguyên đán sẽ tăng cao nên các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh sản xuất, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trang trại của Hợp tác xã chăn nuôi gà sinh sản phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa hiện có 30.000 gà sinh sản. Mỗi ngày, cung ứng ra thị trường từ 20.000 đến 25.000 quả trứng. Hầu hết số lượng trứng của trang trại đều được ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Thời điểm này, trang trại đã đưa vào nuôi thêm 10.000 con gà đẻ, nhằm đảm bảo cung cấp đủ lượng trứng cho các đầu mối tiêu thụ dịp cuối năm. Không chỉ giữ ổn định nguồn cung, trang trại còn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đảm bảo nguồn cung ra thị trường. 

Đảm bảo nguồn cung thực phẩm sạch dịp cuối năm- Ảnh 1.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 1162 chuỗi cung ứng lúa gạo, rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản an toàn. Các sản phẩm này hầu hết được cung ứng qua hệ thống siêu thị, cửa hàng và chợ kinh doanh thực phẩm an toàn. Việc phát triển các chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn đã góp phần tạo được niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn dịp cuối năm, các đơn vị kinh doanh đã chủ động liên kết, kí hợp đồng với các trang trại, đơn vị cung ứng để đảm bảo số lượng thực phẩm. Đồng thời, chủ động giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất của người dân.

Chị Tống Thị Hiền - Giám đốc Công ty TNHH và TM Hiền Nhuần, tỉnh Thanh Hóa

Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc gia cầm qua biên giới; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán, giết mổ động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, khuyến cáo bà con không nên tăng đàn ồ ạt, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, theo chuỗi liên kết.

Nguồn: TS Tối 18/11/2023