Đảng bộ xã Hoằng Đông đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

22:02 - 19/03/2023

Hoằng Đông là xã đồng bằng vùng ven biển của huyện Hoằng Hóa, có tổng diện tích đất tự nhiên trên 435 ha,dân số 5.600 người cư trú ở 5 thôn. Toàn xã có 160 ha đất sản xuất nông nghiệp và gần 60 ha đất nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Đây là một trong những địa phương đang gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế xã hội do xuất phát điểm thấp và không có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển.

Thực hiện chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chủ trương nghị quyết của tỉnh và xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong những năm vừa qua, cấp ủy, chính quyền xã Hoằng Đông đã tập trung chỉ đạo qui hoạch lại ruộng đất, dồn điền đổi thửa, từng bước đưa các cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp với đồng đất và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Từ chủ trương, nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ xã về thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân xã Hoằng Đông đã xây dựng kế hoạch và ban hành một số cơ chế chính sách kích cầu hỗ trợ sản xuất.

Đến nay trên địa bàn xã Hoàng Đông đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, dần thay thế hình thức sản xuất canh tác manh mún nhỏ lẻ truyền thống. Trong đó, xã đã qui hoạch vùng trồng khoai tây với diện tích 35 ha. Vùng trồng khoai tây đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho các hộ dân so với nhiều loại cây trồng khác.

Đảng bộ xã Hoằng Đông đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2.

2 sào khoai tây Đức năng xuất cao của gia đình Bà Lê Thị Chè ở thôn Quang Trung chuẩn bị cho thu hoạch. Giống khoai tây Đức có thời gian trồng và thu hoạch  hơn 90 ngày và dự kiến cho năng suất khoảng 1,8 tấn/ha. Với giá dao động từ 14 triệu đến 18 triệu đồng/ sào,  bình quân mỗi vụ khoai tây Đức mang lại cho gia đình Bà Chè thu nhập gần 30 triệu đồng, cao gấp 7 lần so với trồng lúa. Hiện tại ở thôn Quang Trung, xã Hoằng Đông đang có 160 hộ dân tham gia tích tụ ruộng đất và liên kết với doanh nghiệp để trồng giống khoai tây Đức.

Mô hình trồng khoai tây Đức ở xã Hoằng Đông, được thực hiện với việc liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, đã tạo sự phát triển theo hướng bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân xã Hoằng Đông; hạn chế tình trạng, được mùa mất giá, được giá mất mùa" hoặc khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm và phá vỡ qui hoạch sản xuất.

Đến nay, xã Hoằng Đông đã có 25 ha trồng khoai tây Đức, sản lượng đạt 750 tấn. Năm 2022, khoai tây đã mang lại giá trị thu nhập trên 5 tỷ đồng cho các hộ nông dân ở xã Hoằng Đông và mở ra hướng sản xuất mới trong lĩnh vực trồng trọt ở địa phương này.

Đảng bộ xã Hoằng Đông đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp - Ảnh 4.

Từ diện tích trồng lúa ở khu vực ven đê kém hiệu quả, xã Hoàng Đông đã qui hoạch thành hai khu nuôi trồng thủy sản nước ngọt với diện tích hơn 7ha, tạo điều kiện thuận lợicho các hộ dân địa phương nhận thầu để đầu tư nuôitrồng thủy sản và khuyến khích các hộ nuôi theo mô hình công nghiệp công nghệ cao. Theo một chủ hộ nuôi tôm, với giống tôm thẻ chân trắng được nuôi trong các bể có mái che và áp dụng công nghệ tiên tiến, mỗi năm có thể  nuôi được 3 đến 4 vụ tôm với năng xuất đạt 21 tấn/1ha/vụ, từ đó mang lại thu nhập khoảng 150 tỷ đồng1 ha/1 năm. Trong thời gian tới,  xã Hoằng Đông, tiếp tục chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản, kết hợp mô hình có hiệu quả kinh tế cao theo lộ trình chuyển đổi theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXX nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Đối với diện tích đất hai lúa, vụ chiêm xuân năm nay, xã Hoàng Đông đã mạnh dạn đưa vào trồng hai loại giống lúa thơm chất lượng cao gồm: giống lúa ST25 của Sóc Trăng và giống TB – R39 của Thái Bình vào sản xuất để dần thay thế các giống lúa thuần năng xuất và giá trị thu nhập thấp. Đồng thời kết hợp xây dựng mô hình cá lúa, chủ yếu là đưa giống cá giếc vào nuôi để nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Đảng bộ xã Hoằng Đông đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp - Ảnh 5.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và những giải pháp hiệu quả trong chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tổng giá trị sản xuất năm 2022 của xã Hoàng Đông đạt gần 310 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt trên 111 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/người/năm.

Trên cơ sở những kết quả bước đầu trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ, chính quyền xã Hoàng Đông sẽ tổ chức đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Cùng với nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp,  tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020 – 2025 định hướng đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023; rà soát bổ sung quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất canh tác sang đất ở khu dân cư tại các vị trí đã được Uỷ ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa phê duyệt. Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiệm vụ của chính quyền từ xã đến thôn nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Uỷ ban Nhân dân huyện Hoàng Hóa, Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng ủy và Hội đồng Nhân dân xã Hoằng Đôngvà phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế của địa phương trong giai đoạn 2020 - 2025 đã đề ra.

Nguồn: Chuyên mục Đưa nghị quyết vào cuộc sống ngày 14.3.2023