Đánh giá diễn biến triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng

21:00 - 28/03/2023

Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa tiếp tục triển khai đo triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng. Công tác này có ý nghĩa thiết thực trong việc bổ sung chuỗi số liệu phục vụ nghiên cứu về triều - mặn, và phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân.

Trong khoảng thời gian từ 20 – 26/3, tại Trạm đo triều – mặn Vạn Ninh thuộc địa bàn xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, cán bộ Đoàn Mỏ - Địa chất, Sở Tài Nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã thực hiện việc lấy mẫu nước trên sông Lạch Trường thuộc hệ thống sông Mã và phân tích tại chỗ. Theo số liệu tổng hợp, tại đây, độ mặn đỉnh triều dao động từ 5,25 – 10,75 phần nghìn, độ mặn chân triều dao động từ 3,59 – 3,86 phần nghìn. Người dân có thể khai thác nước trong khoảng thời gian trước và sau chân triều.

Đánh giá diễn biến triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng - Ảnh 2.

Chị Đặng Hải Yến, Tổ trưởng Tổ Triều – Mặn, Đoàn Mỏ - Địa chất, Sở Tài Nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi tiến hành lấy mẫu tại các thời điểm đỉnh triều, chân triều, nước sau đỉnh triều, sau chân triều tùy thuộc vào con nước. Chúng tôi sẽ đo số liệu, làm bản tin, báo cáo, cập nhật các thông tin lên truyền thông kịp thời cho người dân biết được trên từng tuyến sông, đoạn sông để người dân có kế hoạch khai thác nước kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp."

Đánh giá diễn biến triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng - Ảnh 3.

Đánh giá diễn biến triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng - Ảnh 4.

Ông Đỗ Cao Thiên, Công chức địa chính, xây dựng, nông nghiệp và môi trường xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Xã Hoằng Đạt có 114 ha nuôi trồng thủy sản nước lợ. Sở Tài nguyên và Môi trường đặt các trạm đo độ mặn, thông báo cho các địa phương thông báo cho các hộ đưa nước vào nuôi trồng thủy sản. Thông báo này có hiệu quả, tốt cho các hộ nuôi trồng thủy sản để các hộ nắm bắt được nên hay không nên đưa nước vào, rất phấn khởi."

Theo kế hoạch, từ tháng 2/2023, Đoàn Mỏ - Địa chất, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đo triều – mặn tại 22 vị trí trạm trên ba hệ thống sông, là sông Mã, sông Yên và sông Bạng. Đến nay, công tác này đã cơ bản hoàn thành. Theo thống kê sơ bộ, trên hệ thống sông Mã, độ mặn dao động phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Trên hệ thống sông Yên và sông Bạng, độ mặn dao động phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Từ kết quả này, các đơn vị chức năng đã đưa ra được những khuyến cáo về việc khai thác, sử dụng nước sông vùng ảnh hưởng triều phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa cạn năm 2023.

Đánh giá diễn biến triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng - Ảnh 5.

Đánh giá diễn biến triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng - Ảnh 6.

Ông Đoàn Văn Hậu, Phó Đoàn Trưởng Đoàn Mỏ - Địa chất, Sở Tài Nguyên và Môi trường Thanh Hóa chia sẻ: "Việc đo triều mặn phục vụ tích nước sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Về lâu dài, căn cứ vào thống kê hàng năm, diễn biến xâm nhập mặn để xây dựng giải pháp cụ thể phòng chống ngập mặn lâu dài. Khi lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nên lấy nước trước và sau chân triều là thời điểm độ mặn thấp nhất."

Hiện nay, nhu cầu cấp nước cho sản xuất, dân sinh trong vùng điều tra là rất lớn và cần thiết. Song, do đặc điểm của chế độ thủy văn vùng triều, về mùa cạn chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nên việc khai thác nước ngọt vùng sông ảnh hưởng triều gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, về mùa cạn những năm gần đây, dòng chảy các sông chính có xu thế ngày càng giảm, dẫn đến hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tiến sâu hơn vào nội địa, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước, trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá thực trạng triều - mặn của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngành chức năng có liên quan cần tăng cường các giải pháp phòng, chống triều – mặn. Tại các địa phương thuộc vùng sông ảnh hưởng của thủy triều, cần có phương án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sử dụng ít nước tưới, bảo đảm hiệu quả sản xuất; chủ động ngăn ngừa, phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, người dân nên sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý trong sản xuất và sinh hoạt.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 28/03/2023