Đầu tư cơ sở vật chất trường học trong xây dựng Nông thôn mới

Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021- 2025, để đạt tiêu chí trường học thì phải có cơ sở vật chất đạt chuẩn theo quy định. Bởi vậy, các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thành tiêu chí trường học và giáo dục đào tạo trong xây dựng Nông thôn mới.

Trường Mầm non Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa đặt tại trung tâm khu dân cư. Với tổng kinh phí  gần 10 tỷ đồng, trường được đầu tư xây mới 2 khu nhà với 14 phòng học, 3 phòng chức năng, nhà hiệu bộ, nhà bếp đảm bảo diện tích theo quy định; các phòng học có đầy đủ trang thiết bị phục vụ dạy và học; khuôn viên được chỉnh trang sạch đẹp, đáp ứng các hoạt động vui chơi, học tập của trẻ, đảm bảo các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường… Nhờ đó, nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, góp phần cùng địa phương hoàn thành tiêu chí trường học, nhằm sớm về đích xã Nông thôn mới nâng cao.

Đầu tư cơ sở vật chất trường học trong xây dựng Nông thôn mới - Ảnh 2.

Cô giáo Trịnh Thị Dương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Cô giáo Trịnh Thị Dương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường để cải tạo cảnh quan trường lớp sáng - xanh - sạch - đẹp… Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp cùng các cán bộ ban, ngành đoàn thể, chính quyền địa phương kêu gọi sự ủng hộ của phụ huynh, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã đầu tư đồng bộ hạng mục cơ sở trường lớp, các hạng mục, sân chơi cho các cháu."

Đầu tư cơ sở vật chất trường học trong xây dựng Nông thôn mới - Ảnh 3.

Một phòng học của Trường Mầm non Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa

Đối với xã xây dựng Nông thôn mới, để đạt tiêu chí về trường học, toàn bộ các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phải có cơ sở vật chất và trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; xã Nông thôn mới nâng cao phải có ít nhất một trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Đây là một trong những tiêu chí mới và cao hơn, cần nguồn kinh phí khá lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn theo quy định. Do vậy, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ giáo dục, các địa phương đã rà soát, kiểm tra thực trạng cơ sở vật chất của các nhà trường để xây dựng kế hoạch nâng cấp phù hợp với điều kiện thực tế. Các huyện cũng đã và đang ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 - 2. Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, ngành giáo dục, chính quyền các địa phương và các nhà trường cũng tích cực thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn vốn trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp để đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường.

Đầu tư cơ sở vật chất trường học trong xây dựng Nông thôn mới - Ảnh 4.

Ông Mai Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Ông Mai Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đang tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội hóa, các nguồn lực khác  để đầu tư thêm các hệ thống phòng học, nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương, tạo cơ sở bền vững phát triển lâu dài."

Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh đầu tư khoảng 200 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường học, kể cả xã hội hóa. Từ nguồn kinh phí này, nhiều trường đã được đầu tư các hạng mục phòng học, nhà hiệu bộ, trang thiết bị theo hướng khang trang, hiện đại để được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và 2. Đến nay, toàn tỉnh có 85% số xã đạt tiêu chí trường học trong xây dựng Nông thôn mới.