Đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học gắn với xây dựng nông thôn mới

10:25 - 18/05/2022

(TTV) - Cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hoàn thành tiêu chí số 5 - trường học trong xây dựng nông thôn mới.

Từ sự hỗ trợ 1 phần kinh phí của huyện Đông Sơn, năm 2019, xã Đông Thanh đã trích ngân sách xã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất lớp học cho trường mầm non. Xã đã xây mới một khu nhà 3 tầng gồm 4 phòng học, 4 phòng chức năng, văn phòng, phòng hiệu bộ và cải tạo lại 6 phòng học. Đồng thời, làm mới khuôn viên nhà trường, mua sắm đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng. Nhờ đó, năm 2020, trường mầm non Đông Thanh đã được công nhận đạt chuẩn Quốc Gia mức độ 2 và hiện là trường điểm của huyện Đông Sơn về thực hành tốt trang thiết bị giáo dục.

Cô giáo Đàm Thị Sóng, Hiệu Phó trường mầm non Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Sau khi được đầu tư cơ sở vật chất các phụ huynh đã quan tâm hơn, có cái nhìn khác về giáo dục mầm non, cùng nhà trường đưa giáo dục mầm non lên cao… phụ huynh  yên tâm đưa trẻ đến trường, số cháu đến trường tăng lên rõ rệt".

Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xã đạt tiêu chí số 5 về trường học có 70% trở lên số trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn xã có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ giáo dục, các địa phương đã rà soát kiểm tra thực trạng cơ sở vật chất của các nhà trường để xây dựng kế hoạch nâng cấp, sửa chữa phù hợp với điều kiện thực tế. Cùng với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, ngành giáo dục, chính quyền các địa phương cũng đã khuyến khích, huy động các nguồn vốn trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp để đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường gắn với xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Thầy giáo Lê Hữu Tiến, Hiệu trưởng trường tiểu học Dân Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Địa phương đã đầu tư xây dựng cho nhà trường hơ 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất. Con em đi xa ủng hộ nhà trường vật lực, ví dụ tài trợ nhà trường thư viện xanh, tủ sách để các cháu có không gian học. Ông Mai Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Chúng tôi đang tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội hóa, các nguồn lực khác để đầu tư thêm các hệ thống phòng học, nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương, tạo cơ sở bền vững phát triển lâu dài".

Từ năm 2016 đến nay, tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, kể cả xã hội hóa trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt gần 1.500 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này nhiều trường học đã được đầu tư các hạng mục phòng, lớp học, nhà hiệu bộ, trang thiết bị dạy và học theo hướng khang trang, hiện đại.  Đến nay, toàn tỉnh có từ 76- 85,5 % số trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; trên 84% số xã đạt tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới.   

Theo  Hương Hạnh - Thanh Tùng- Minh Tâm

Bản tin THNM 18/5