Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thu hút đầu tư

"Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn" là một trong ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đề ra, nhằm tạo động lực cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Triển khai Nghị quyết Đại hội XIX, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến mới.

Là huyện miền núi phía Tây của tỉnh, những năm qua, Ngọc Lặc nổi lên như một điểm sáng về thu hút đầu tư với nhiều dự án lớn đã và đang được xây dựng. Các dự án trên địa bàn chủ yếu liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản, dịch vụ... Điển hình như dự án "Khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện – Thanh Hóa" có tổng diện tích 112 ha tại xã Minh Tiến. Hiện nay, dự án đã đi vào hoạt động giai đoạn 1, tổng số vốn doanh nghiệp đầu tư vào đây đã lên tới hơn 2000 tỷ đồng.  Hiện Tập đoàn Xuân Thiện đang tiếp tục đầu tư nhiều dự án mớitại Ngọc Lặc như: nhà máy Sản xuất nước trái cây ở xã Ngọc Liên; nhà máy chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 ở xã Nguyệt Ấn.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thu hút đầu tư - Ảnh 1.

Để lĩnh vực thu hút đầu tư đạt kết quả cao, huyện Ngọc Lặc đã quan tâm lãnh chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp để mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến tìm hiểu, đầu tư trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, phối hợp với các sở, ngành liên quan cung cấp thông tin, quảng bá tiềm năng, lợi thế của địa phương; tăng cường cải cách hành chính, nhất là việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách ưu đãi. 

Hiện tại, UBND huyện đang thực hiện hệ thống quản lý chấtlượng trong các cơ quan hành chính nhà nước theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015;lắp đặt trang thiết bị và vận hành hệ thống điện tử quản lý quá trình giải quyếtthủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ông Đỗ Đức Ngọc, Trưởng phòng kế hoạch tài chính- UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: "Trong quá trình triển khai dự án, huyện Ngọc Lặc đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, thi công tuyến đường phục vụ sản xuất, kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng nhà đầu tư, đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ được giao".

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thu hút đầu tư - Ảnh 2.

Xác định: "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn" là chìa khóa quan trọng để mở cửa thu hút đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, sản xuất sạch, bền vững, thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp để thực hiện. Tại Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, việc giải quyết các thủ tục hành chính đã được triển khai trên môi trường điện tử, thời gian giải quyết đã được cắt giảm so với quy định. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban được cập nhật trên cổng dịch vụ công của tỉnh, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ban, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin, thủ tục hành chính một cách thuận tiện nhất.

Chị Nguyễn Thị Ngân, Bộ phận Một cửa- Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Việc đăng ký dịch vụ công nộp hồ sơ qua mạng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình tham gia thực hiện các thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian đi lại và các chi phí không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục hành chính để thực hiện dự án. Tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả trong thời gian qua, ban đã không có hồ sơ trễ hẹn hay trả quá hạn".

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thu hút đầu tư - Ảnh 3.

Để thực hiện khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết đại hội 19, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 22-KH/TU ngày 23/7/2021 thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó khẳng định: "Đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức, người dân và doanh nghiệp" là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết mà các cấp, ngànhphải tập trung thực hiện, nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, chỉ thị về phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, thúc đẩy phát triển chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thu hút đầu tư - Ảnh 4.

Đến nay, việc đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số của tỉnh bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống phòng họp không giấy tờ đã được triển khai tại 19 đơn vị, tổ chức hệ thống truyền hình trực tuyến đến 27 điểm cầu cấp huyện, 559 điểm cầu cấp xã, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, tạo môi trường hội họp hiện đại, nhanh chóng, tiết kiệm. Tỉnh Thanh Hóa là một trong 8 địa phương,bộ, ngành đầu tiên có nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệukết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; đã tích hợp 1.443 đơn vị của tỉnh phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến xã và kết nối, chia sẻ các dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh. Thanh Hóa cũng đã ứng dụng chữ ký số chuyên dùng tại 100% cơ quan hành chính và hơn 150 đơn vị sự nghiệp của tỉnh. 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 100% UBND cấp xã đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống trung bình khoảng 2 triệu lượt văn bản đến và 1 triệu lượt văn bản đi/năm.

Cổng Dịch vụ công tỉnh được tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia, cùng với triển khai tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đặc biệt, các sở, ngành, đơn vị đã có nhiều lĩnh vực tương tác với người dân, doanh nghiệp, như: Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Sở Y tế, Cục Thuế, Cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cảng vụ Thanh Hóa, Công an tỉnh, Sở Tư pháp và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trung tâm đã phát triển các giải pháp phần mềm để tối ưu hóa, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm. 100% hồ sơ của các doanh nghiệp giải quyết trên môi trường mạng được công khai, minh bạch. Do vậy rất thuận lợi cho doanh nghiệp".

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thu hút đầu tư - Ảnh 5.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa: thời gian qua, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể. Tỷ lệ trả kết quả đúng hạn đạt từ 98% trở lên, tỷ lệ hài lòng đạt từ 85% trở lên; tỷ lệ cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính tối thiểu hàng năm từ 20% đến 25%; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 10 - 50% (nhất là các thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép kinh doanh). Từ đó, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thu hút đầu tư - Ảnh 6.

Bà Dương Thị Thúy, Trưởng phòng Cải cách hành chính- Sở nội vụ tỉnh Thanh Hóa

Bà Dương Thị Thúy, Trưởng phòng Cải cách hành chính- Sở nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Với cơ quan tham mưu là Sở Nội vụ chúng tôi thường xuyên khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước. Trong những phiếu khảo sát thì chúng tôi thấy là các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân cũng đánh giá rất tích cực về sự phục vụ của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa".

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; chỉ số thu hút đầu tư kinh doanh của tỉnh tăng cao, hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt kết quả tích cực. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 144 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 14 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 ngàn tỷ đồng và 191 triệu USD; có 9 dự án FDI điều chỉnh tăng, giảm vốn, với số vốn tăng 25,7 triệu USD. Huy động vốn đầu tư phát triển đạt trên 170 ngàn tỷ đồng. Phần lớn các dự án đầu tư vào Thanh Hóa đều hoạt động có hiệu quả, mang lại giá trị sản xuất, doanh thu cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương và tạo công ăn việc làm cho số lượng lớn người lao động với công việc và thu nhập ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Bằng sự quyết tâm và nỗ lực trong đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn,thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư kinh doanh phát triển mạnh mẽ, là điểm đến tin cậy đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Nguồn: Chuyên mục Đưa nghị quyết vào cuộc sống ngày 17.11.2022