Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mô hình sản xuất hiệu quả ở vùng cao Thanh Hoá

14:29 - 16/01/2024

Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tiềm năng, lợi thế để thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Một trong những giải pháp được các địa phương thực hiện, đó là khuyến khích, hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả.

Ở bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, nơi sinh sống của đồng bào Mông, ai cũng biết đến anh Thao Văn Tông, bởi anh không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là người đi tiên phong trong việc thay đổi tư duy sản xuất, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Nhiều năm trước gia đình anh Thao Văn Tông thuộc diện hộ nghèo, nguồn thu nhập chủ yếu từ 4 sào nương trồng lúa và ngô. Năm nào được mùa thì đủ ăn nhưng nếu hạn hán mất mùa thì phải chạy vạy lo từng bữa. Không cam chịu cảnh nghèo đói, anh Thao Văn Tông đã bàn với vợ con quyết định vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Nhận thấy địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để chăn nuôi đại gia súc, anh Tông đã mua 1 cặp bò và 1 con lợn giống về nuôi. 

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mô hình sản xuất hiệu quả ở vùng cao Thanh Hoá- Ảnh 1.

Anh Tông cho biết, nguồn thức ăn cho bò chủ yếu là cỏ voi và thân cây chuối, rất dễ tìm kiếm và không tốn nhiều tiền để mua. Anh Tông thực hiện đầy đủ việc tiêm vắc xin để phòng tránh dịch bệnh, nhờ đó, đàn bò của gia đình anh phát triển tốt. Hiện tại, gia đình anh đang nuôi 7 con bò, gồm 5 bò thịt và 2 bò giống. Nhờ chăn nuôi, gia đình anh Thao Văn Tông đã thoát được nghèo và có mức thu nhập khá.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mô hình sản xuất hiệu quả ở vùng cao Thanh Hoá- Ảnh 2.

Anh Thao Văn Tông, bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa

Anh Thao Văn Tông, bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Gia đình tôi trước đây cũng khó khăn như bà con trong bản. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi, gia đình đã mua đôi bò về nuôi. Bây giờ gia đình đã trđược tiền vay ngân hàng và có tiền vốn đầu tư mua thêm bò thịt về chăn nuôi. Cuộc sống gia đình hiện tại đã khấm khá hơn trước nhiều".

Ở làng Trô, xã Giao An, huyện Lang Chánh, mô hình trồng cây có múi của gia đình ông Lê Văn Đồng, người dân tộc Mường cũng đang được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn.

Xuất phát điểm là một hộ nghèo, suốt nhiều năm, gia đình ông Lê Văn Đồng xoay xở mọi cách để làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Năm 2016, từ nguồn hỗ trợ Chương trình 30a của Chính phủ, gia đình ông Đồng được nhận 18 gốc cây bưởi Diễn về trồng. Sau thời gian chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn bưởi Diễn của gia đình ông ngày càng xanh tốt, quả to đều và ngọt, năm đầu tiên bán được hơn 10 triệu đồng. 

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mô hình sản xuất hiệu quả ở vùng cao Thanh Hoá- Ảnh 3.

Khi có vốn, ông mở rộng thêm diện tích cây ăn quả, mua giống bưởi da xanh về trồng. Hiện, vườn bưởi của gia đình ông Lê Văn Đồng có khoảng 70 gốc, nguồn thu ổn định mỗi năm khoảng 40 - 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi lợn, gà và trồng keo. Từ nguồn thu chăn nuôi và trồng trọt, gia đình ông Đồng đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo và trở nên khá giả, có điều kiện đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới của quê hương.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mô hình sản xuất hiệu quả ở vùng cao Thanh Hoá- Ảnh 4.

Hiện nay, ở các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nơi đâu cũng xuất hiện những mô hình làm kinh tế giỏi. Bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi phù hợp, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tìm phương thức sản xuất mới. Từ đó dần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mô hình sản xuất hiệu quả ở vùng cao Thanh Hoá- Ảnh 5.

Chị Hà Thị Nhung, bản Đồng Tâm, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa

Chị Hà Thị Nhung, bản Đồng Tâm, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết: "Bà con lâu nay không có phong tục sản xuất cây vụ đông, nay đã thay đổi nên ai cũng tích cực tham gia".

Thời gian tới, các địa phương miền núi cần tập trung thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn lực của tỉnh với các chương trình, dự án của Trung ương đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Các ban ngành chức năng địa phương tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng các mô hình xóa đói giảm nghèo; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống, và giúp đỡ người dân trong cộng đồng cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nguồn: Tạp chí Dân tộc miền núi 14/1/2024