Đẩy mạnh thương mại điện tử trong ngành bán lẻ

20:26 - 02/12/2022

Theo Bộ Công Thương, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường bán lẻ thương mại điện tử phát triển nhanh nhất. Năm 2022,quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2021. Mô hình bán hàng từ đơn vị, doanh nghiệp đến người tiêu dùng thông qua các kênh trực tuyến đang là xu thế và cũng là hướng đi hiệu quả được rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng lựa chọn.

Livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Chụp ảnh sản phẩm để đăng lên các trang bán hàng trực tuyến. Đa dạng các kênh bán hàng: từ website riêng, hay các sàn thương mại điện tử đến các trang fanpage... Sự chuyển đổi cách thức bán hàng từ các cửa hàng thực tế sang các gian hàng trực tuyến trên internet đã giúp các doanh nghiệp, đơn vị tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, tăng doanh thu tốt hơn và giảm được rất nhiều chi phí.

Đẩy mạnh thương mại điện tử trong ngành bán lẻ - Ảnh 1.

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được công bố vào tháng 5/2022, chỉ số thương mại điện tử bán lẻ của Thanh Hóa xếp thứ 11 trong 63 tỉnh thành trong cả nước. Để thúc đẩy thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử bán lẻ nói riêng, các ngành chức năng của tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ hơn 66.000 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử voso.vn và portmart.vn; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng đa dạng các kênh bán hàng trực tuyến để tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn. Từ đó, giúp các doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Đẩy mạnh thương mại điện tử trong ngành bán lẻ - Ảnh 2.

Theo dự kiến, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt từ 7,2 - 7,8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, và tỷ trọng này đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới.

Nguồn: Bản tin thời sự tối 2.12