Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai có hiệu quả Đề án 06

21:42 - 15/06/2022

(TTV) - Chiều ngày 15/6, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh, sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 về tình hình, kết quả triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các đồng chí ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy: Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh; Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh, đồng chủ trì hội nghị.

 

6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Thanh Hóa đã đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai Đề án 06 theo đúng lộ trình. Đến nay, đã thực hiện 10/13 nhóm nhiệm vụ do địa phương chủ trì, triển khai; 25 dịch vụ công thiết yếu. Các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình Đề án đang được các Sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tích cực thực hiện, trong đó Công an tỉnh là đơn vị đi đầu với việc hoàn thành 7/11 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3 nhóm nhiệm vụ địa phương phải chủ trì, triển khai chưa thực hiện xong và còn một số dịch vụ công thiết yếu chưa thực hiện.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi khẳng định: Đề án 06 có ý nghĩa rất quan trọng, là bước đột phá chiến lược, phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai đề án, đồng chí yêu cầu trong thời gian tới, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố bám sát các nhiệm vụ của Đề án 06, thực hiện theo đúng lộ trình và các yêu cầu đề ra. Các đơn vị phải tổng hợp, đánh giá tiến độ, khối lượng công việc để tập trung, chỉ đạo thực hiện; cải cách triệt để các thủ tục, quy trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là các địa phương, đơn vị trực tiếp thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu cần phải ưu tiên bố trí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; cập nhật, chuẩn hóa danh mục tài liệu, hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng dẫn; rà soát, tái cấu trúc quy trình, tờ khai, kết quả giải quyết thủ tục hành chính./.

Theo Hồng Ngọc/ Bản tin Thời sự tối ngày 15/6/2022