Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử

10:27 - 25/11/2023

Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Thanh Hóa hướng tới khi ban hành Nghị quyết số 06 về “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành địa phương trong tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, xem đây là khâu chiến lược, tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền số.

Thị trấn Vĩnh Lộc là 1 trong những đơn vị trên địa bàn được huyện Vĩnh Lộc chọn là đơn vị điểm xây dựng chính quyền điện tử. Để đáp ứng tốt việc thực hiện chính quyền số, được sự giúp đỡ của huyện, thị trấn Vĩnh Lộc đã đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp mạng Lan, máy tính, máy in và các trang thiết bị phục vụ cho công việc. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức kỹ năng sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, lãnh đạo và cán bộ thị trấn đã ứng dụng hiệu quả công nghệ để giải quyết thủ tục hành chính công, tích hợp lên Cổng dịch vụ công trực tuyến, đồng thời khai thác hiệu quả thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào công việc. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nên hoạt động hành chính của xã được thực hiện hiệu quả hơn, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử- Ảnh 1.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử- Ảnh 2.

Ông Trịnh Trọng Trung, Chủ tịch UBND Thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Ông Trịnh Trọng Trung, Chủ tịch UBND Thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực đã được đơn giản hóa, kết quả giải quyết hồ sơ được cải thiện rõ rệt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, góp phần tăng niềm tin của Nhân dân vào sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền".

Thời gian qua, huyện Vĩnh Lộc đã đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, công khai và minh bạch. Xác định hạ tầng viễn thông có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả và sự bền vững của chính quyền số, địa phương đã phối hợp với chi nhánh VNPT Chi nhánh Vĩnh Lộc - Thạch Thành tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, lắp đặt hệ thống các phần mềm như theo dõi nhiệm vụ, phần mềm một cửa điện tử. Hiện nay, 100% các đơn vị đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, cán bộ, công chức được trang bị máy tính, các xã, thị trấn được đầu tư nâng cấp hạ tầng, kết nối mạng Internet. Nhờ thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, công dân, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính, giúp người dân tương tác với chính quyền được thuận lợi hơn. Trong 10 tháng năm 2023, cấp huyện và cấp xã đã tiếp nhận trên 3.000 hồ sơ trên phần mềm điện tử; 100% thủ tục hành chính có phát sinh từ cấp huyện đến cấp xã đã được số hóa, người dân có thể tra cứu trên hệ thống dịch vụ công về thông tin hồ sơ của mình.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử- Ảnh 3.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Bà Phạm Thị Hương, Phó Giám đốc Chi nhánh VNPT Thạch Thành, Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "VNPT đã đồng hành cùng UBND huyện từng bước đưa vào các dịch vụ viễn thông áp dụng trong các cơ quan hành chính; chữ ký số; phát triển hạ tầng, nâng cấp thiết bị đáp ứng yêu cầu hiện nay".

Ông Hà Văn Lương, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Có thể nói, công tác xây dựng chính quyền điện tử tiếp tục được quan tâm thực hiện, hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số được ứng dụng mạnh mẽ vào hoạt động quản lý hành chính tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác cải cách hành chính được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Thời gian tới, huyện thực hiện nghiêm việc trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số hồ sơ trên môi trường điện tử. Phối hợp với các sở, ban, ngành cấp thực hiện trên môi trường mạng".

Xã Thọ Lập là địa phương đầu tiên của huyện Thọ Xuân triển khai thực hiện thí điểm mô hình 3 "không" gồm: Không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công; không dùng tiền mặt trong một số dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền. Theo đó, địa phương đã thành lập 7 tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ hướng dẫn trực tiếp các hộ cài đặt, sử dụng các dịch vụ số gắn với quyền lợi, chế độ, chính sách của nhân dân, qua đó đội ngũ cán bộ đã cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin vào các phần mềm đăng ký, quản lý từ quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản, ở mức độ 3, mức độ 4, bảo đảm thông tin trong phần mềm chính xác, thống nhất với thông tin người dân đã kê khai. Đồng thời phối hợp với ngân hàng nông nghiệp mở tài khoản ngân hàng, cài đặt ví điện tử, cài đặt chữ ký số cá nhân, thông qua đó người dân bước đầu đã làm quen và cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống. Đến thời điểm hiện tại, các hộ người dân cài đặt đủ các ứng dụng cần thiết, đạt tỉ lệ trên 90%.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử- Ảnh 5.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhờ đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử nên việc tiếp nhận và triển khai các văn bản rất nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, vật chất, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị đồng bộ, hướng dẫn người dân cài đặt hướng đến mực tiêu không cần người dân gặp chính quyền".

Thời gian qua, huyện Thọ Xuân đã tích cực thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15 ngày 18/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về tập trung chỉ đạo đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử. Đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cần thiết đều đảm bảo, đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Để quy trình giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị được minh bạch và hiệu quả, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thành lập tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn người dân cài đặt các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống, như các phần mềm về thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công… Hiện nay, 100% các đơn vị đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số. Theo báo cáo của huyện Thọ Xuân, 9 tháng đầu năm 2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 45.542 hồ sơ, giải quyết đúng hẹn 45.301 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,5%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên 99%.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử- Ảnh 7.

Anh Nguyễn Văn Đạt, Xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Hôm nay tôi đến giao dịch một số giấy tờ thủ tục, tôi thấy bộ phận 1 cửa đã hướng dẫn làm thủ tục trên ứng dụng, thấy nhanh, hiệu quả, không phải đi lại nhiều lần".

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử- Ảnh 8.

Ông Lê Văn Lực, Trưởng phòng Văn hóa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Văn Lực, Trưởng phòng Văn hóa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Xác định ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền số một số giải pháp chủ yếu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ, đảm bảo đồng bộ. Phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ xây dựng các phương án, đồng bộ hóa trang thiết bị, thông tin tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số thuận lợi nhất, hiệu quả nhất".

Có thể khẳng định, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử đã giúp cho hoạt động quản lý, điều hành của cấp ủy chính quyền được nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian xử lý công việc và phục vụ người dân hiệu quả hơn. Đây cũng là tiền đề để các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai các hoạt động, hướng đến hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu ứng dụng công nghệ số góp phần gắn kết người dân, doanh nghiệp với các địa phương, góp phần xây dựng chính quyền điện tử.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ ngày 24/11/2023