DDCI Thanh Hóa dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp

10:02 - 26/01/2023

Năm 2022, lần đầu tiên UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI). Kết quả DDCI đã phản ánh trung thực những cảm nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai, thực hiện các hoạt động sản xuất – kinh doanh và làm việc với các đơn vị được đánh giá. Hiện đơn vị chủ trì thực hiện đề án là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Thanh Hóa đang tiếp tục triển khai các bước khảo sát DDCI đến các doanh nghiệp, Hợp tác xã và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Theo bảng điểm và xếp hạng năm 2021 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công bố vào tháng 4/2022, trong nhóm sở, ban, ngành cấp tỉnh, có 5 đơn vị được đánh giá có chất lượng điều hành tốt, 13 đơn vị có chất lượng điều hành khá, 4 đơn vị có chất lượng điều hành chưa tốt; nhóm UBND cấp huyện, có 7 đơn vị được đánh giá có chất lượng điều hành tốt, 17 đơn vị có chất lượng điều hành khá, 3 đơn vị có chất lượng điều hành chưa tốt.

DDCI Thanh Hóa dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh 1.

Trong các chỉ số thành phần của năm 2021, các chỉ số Tính năng động và vai trò của người đứng đầu và chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất ở cả 2 nhóm. Ngược lại, chỉ số Chi phí không chính thức, Hỗ trợ doanh nghiệp, Tiếp cận đất đai là những chỉ số có điểm trung bình thấp nhất. Kết quả khảo sát đã đưa ra một bức tranh tổng quan, nhưng cũng rất cụ thể về môi trường kinh doanh của tỉnh; đã chỉ ra đơn vị nào làm tốt, đơn vị nào làm chưa tốt, cũng như những việc đã làm tốt hoặc chưa tốt ở mỗi đơn vị được đánh giá dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa được xây dựng gồm 8 chỉ số thành phần: tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và vai trò của người đứng đầu, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai. Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện, thị, thành phố.

Theo VCCI Thanh Hóa - đơn vị chủ trì thực hiện đề án, DDCI được triển khai với mục tiêu là tạo sự cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thị xã thành phố và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh. Chỉ số DDCI được xây dựng với mục đích kép, một mặt trao quyền cho doanh nghiệp đóng góp tiếng nói và thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh; mặt khác, đặt các cơ quan, đơn vị của tỉnh vào tâm thế thường trực cải cách và nâng cao chất lượng dịch vụ. Mục tiêu cũng chính là cải thiện sức cạnh tranh và thứ hạng của từng địa phương, đơn vị, qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

DDCI Thanh Hóa dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Sở tham mưu cho tỉnh, hô trợ các ở ngành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện điều hành xử lý trên môi trường mạng, rà soát thu tục đưa lên cổng dịch vụ công tỉnh, cung cấp cho người dân doanh nghiệp công khai, thuận tiện. Đặc biệt năm 2022, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên thực hiện trao đổi văn bản giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp bằng thư điện tử, qua đó xử lý tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước".

Trong năm thứ hai triển khai khảo sát, đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành và địa phương, VCCI Thanh Hóa lựa chọn ngẫu nhiên 5000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để phát phiếu khảo sát với 2 hình thức trực tiếp và online. Dự kiến, thời gian thực hiện khảo sát, đánh giá đến hết tháng 02/2023. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, chuyển tải các đánh giá, cảm nhận và mong muốn của mình tới chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước một cách thuận tiện, trung thực và khách quan nhất.

Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Thanh Hóa

Bước đầu, DDCI Thanh Hóa đã góp phần giúp lãnh đạo tỉnh có thêm một công cụ hiệu quả trong công tác điều hành; giúp lãnh đạo các sở ban, ngành, UBND cấp huyện xác định đúng trọng tâm để cải cách, hướng tới mục tiêu tạo môi trường minh bạch, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng kỳ vọng, DDCI Thanh Hóa sẽ hối thúc các sở, ngành hành động, sáng tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy chất lượng điều hành kinh tế.


Nguồn: Bản tin THNM/TTV