Dệt may đa dạng hóa thị trường và mặt hàng

Ngay từ đầu năm 2024, các doanh nghiệp may mặc Thanh Hóa đã chủ động đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời nỗ lực khai thác, mở rộng thị trường để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất đã đề ra.

Trong bối cảnh khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn, nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nhanh nhạy tìm kiếm và kết nối với các khách hàng mới, thị trường mới, đồng thời đa dạng hóa mặt hàng, đáp ứng yêu cầu của đối tác. 

Dệt may đa dạng hóa thị trường và mặt hàng- Ảnh 1.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường, với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng sẽ là điểm nhấn nổi bật của ngành trong năm 2024.

Dệt may đa dạng hóa thị trường và mặt hàng- Ảnh 2.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết, đối với ngành dệt may luôn phát triển liên tục và thay đổi nhiều mẫu mã cũng như các mốt, kiểu dáng. Do đó, các doanh nghiệp dệt may hiện nay cũng tiếp ứng và nhanh nhạy tiếp nhận các yêu cầu của thị trường.

Hiệp hội dệt may Thanh Hóa khuyến nghị, doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa cần phải bám sát diễn biến của thị trường để có các giải pháp ứng phó linh hoạt hơn nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc chăm sóc tốt các thị trường truyền thống, các đơn vị cũng phải tích cực đa dạng hóa sản phẩm và khai thác thị trường mới; nâng cao năng lực quản trị để tiết kiệm chi phí. Cùng với đó, tập trung cho các giải pháp đầu tư về công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất, giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao. Hiện có những doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến tháng 9 năm nay với đơn giá đạt khoảng 70-80% so với cùng kỳ những năm trước.

Nguồn: Bản tin Thời sự 18h/TTV