Di tích “kêu cứu”

21:07 - 27/10/2023

Những năm qua, tại Thanh Hóa, mặc dù chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành văn hóa rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, song đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng trăm di tích đang xuống cấp trầm trọng. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại, có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài.

Toàn bộ kết cấu tường, vòm nứt vỡ. Các pho tượng cổ hàng trăm năm tuổi bị mối làm hư hại. Những hạng mục bằng gỗ bong tróc, mục ruỗng… Tình trạng xuống cấp tại chùa Thạch Tuyền, ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn diễn ra nhiều năm qua và ngày càng trở nên trầm trọng. 

Một công trình có lịch sử gần một thiên niên kỷ, được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhưng lại đang trong tình trạng có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Hiện nay, việc thực hành tín ngưỡng tại chùa bị hạn chế, bởi có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người dân.

Ông Mai Trung Xây, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chùa bị hỏng, mỗi khi trời mưa ướt lênh láng, người dân không được thực hành tín ngưỡng".

Ông Mai Văn Năm, Chủ tịch UBND xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Huyện Nga Sơn có 49 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng thì gần như toàn bộ đều đang trong tình trạng xuống cấp. 

Có những công trình như Phủ Tiên, một di tích cấp tỉnh, thuộc xã Nga Giáp, mức độ xuống cấp ở mức đặc biệt nghiêm trọng: cột kèo mục nát, mái ngói bị xô lệch, tường nứt vỡ, toàn bộ mái nhà cung Đệ Nhị bị sập đổ. Chính quyền xã buộc phải đóng cửa công trình, chờ đợi tôn tạo lại mới cho phép người dân tiếp tục vào thực hành tín ngưỡng.

Ông Mai Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Còn đền thờ Hoàng giáp Lê Bật Tứ, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn lần gần nhất được tôn tạo là năm 2007. Tuy nhiên, đến nay, các hạng mục của đền đều đã xuống cấp.

 Đặc biệt, khu vực đền trũng hơn so với nền nhà của các hộ dân xung quanh, khiến khuôn viên di tích trở thành "rốn nước" mỗi khi có mưa lớn.

 Ông Lê Bật Trác, thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 856 di tích được xếp hạng, trong đó có tới hơn 300 di tích đã xuống cấp, cần được tu bổ. Nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng đến mức, nếu không được tôn tạo kịp thời, có nguy cơ trở thành phế tích trong tương lai gần.

Di tích là vốn quý, nơi bảo lưu một phần  lịch sử, văn hóa của đất nước, quê hương. Gìn giữ, phát huy giá trị của di tích không chỉ là nghĩa vụ, mà còn thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử. Để các di tích phải cất tiếng "kêu cứu", dẫu do nguyên nhân gì đi nữa, cũng là trách nhiệm của hậu thế hôm nay. Và nếu không có giải pháp kịp thời, thực trạng này có thể dẫn đến những hệ lụy không thể vãn hồi trong tương lai.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV