Di tích lịch sử cách mạng chưa được bảo tồn, phát huy giá trị

09:08 - 30/09/2023

Trên địa bàn xã Thiệu Châu và xã Thiệu Đô, nay là xã Tân Châu và thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa có Di tích lịch sử cách mạng là hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, di tích này chưa được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị.

Ông Nguyễn Hữu Chí, ở tiểu khu 12, thị trấn Thiệu Hóa, trước đây là thôn 10, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa vẫn còn nhớ, khoảng năm 1965 - 1966, ngay tại khu vườn của gia đình, căn hầm này đã được xây dựng làm nơi làm việc, chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ. Hầm sâu 5m, rộng 1m, có 3 ngách nối với 3 cửa. Trong đó, 2 cửa hầm nằm trọn vẹn trên diện tích đất của gia đình ông và 1 cửa hầm thuộc xã Thiệu Châu, nay là xã Tân Châu. Thông tin này đã được ghi trong cuốn Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Châu, giai đoạn 1930 - 2010. Khi đó, khu vườn của gia đình ông Chí cũng là nơi một số cơ quan của tỉnh sơ tán về. 

Di tích lịch sử cách mạng chưa được bảo tồn, phát huy giá trị - Ảnh 2.

Căn hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ nằm trong vườn gia đình ông Nguyễn Hữu Chí, ở tiểu khu 12, thị trấn Thiệu Hóa.

Ông Nguyễn Hữu Chí cho biết: "Lúc đó tôi chỉ biết Bí thư Tỉnh ủy là ông Ngô Thuyền về đây, ở ngay chỗ nền nhà đây. Xung quanh là các ban, ngành. Năm 1968 họ lại di tản. Hầm này có cửa lim đóng lại, còn các dãy nhà kè xung quanh vẫn để, có 1 người ở lại trông coi. Năm 1972, 1 trung đoàn lại ở đây, phục vụ đơn vị tên lửa đóng tại Triệu Sơn, ngã ba Chè. Hết trận 12 ngày đêm, họ lại rút".

Trong suốt những năm đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc, căn hầm vẫn vững chãi dưới mưa bom, bão đạn và trở thành nơi che chở, bảo vệ quân và dân địa phương. Do diện tích hầm thuộc địa giới 2 đơn vị hành chính nên nhiều năm qua, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích còn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho việc xem xét, xếp hạng di tích chưa được thực hiện. 

Ông Nguyễn Hữu Chí cho biết: "Hầm vẫn nguyên trạng từ trước đến giờ, trong vườn nhà mình nhưng của nhà nước nên gia đình không đụng vào. Chúng tôi mong muốn hầm được giữ gìn, phát huy giá trị để cho con cháu hiểu về lịch sử truyền thống cách mạng của quê hương". Ông Vũ Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa cũng cho biết: "Nguyện vọng của địa phương, Nhân dân là được Nhà nước quan tâm bảo tồn, công nhận di tích này. Nhưng khó khăn hiện nay là các nhân chứng còn lại rất ít, diện tích hầm lại thuộc địa giới 2 xã Thiệu Châu và Thiệu Đô, nay là thị trấn Thiệu Hóa nên khó khăn trong công tác quản lý, phát huy giá trị di tích". 

Di tích lịch sử cách mạng chưa được bảo tồn, phát huy giá trị - Ảnh 4.

Di tích lịch sử cách mạng là minh chứng cụ thể, sinh động cho một sự kiện, một phong trào hay giai đoạn cách mạng. Việc bảo vệ, phát huy Di tích hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền sẽ góp phần tôn vinh, tri ân đóng góp của các thế hệ đi trước cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; đồng thời giáo dục truyền thống cho các tầng lớp Nhân dân.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 30/9/2023