Điểm đầu vào bậc THPT thấp - Thực trạng đáng buồn tại khu vực miền núi Thanh Hóa

07:15 - 22/07/2023

Chỉ cần đạt trung bình trên dưới 1 điểm/ một môn thi cũng có thể đậu vào bậc THPT. Một con số thấp đến giật mình! Thế nhưng, thực trạng đáng buồn ấy đã và đang diễn ra nhiều năm nay, tại nhiều trường THPT thuộc khu vực miền núi Thanh Hóa.

Điểm đầu vào bậc THPT thấp - Thực trạng đáng buồn tại khu vực miền núi Thanh Hóa

6,3- là tổng số điểm 3 môn thi, đủ để một thí sinh có thể đậu vào trường THPT Quan Sơn, trong kỳ thi vào lớp 10, năm học 2023-2024. Điểm thi 3 môn đã được nhân thành hệ số 5, có nghĩa là chỉ cần trung bình 1,26 điểm/một môn, thí sinh đã có thể thi đỗ vào trường.

Điểm đầu vào bậc THPT thấp - Thực trạng đáng buồn tại khu vực miền núi Thanh Hóa - Ảnh 2.

Tương tự, số điểm chuẩn, đủ để đậu vào bậc THPT của đa số các trường khu vực miền núi Thanh Hóa năm học này rất thấp. Ví dụ: Trường THPT Quan Hóa có tổng điểm đầu vào là 6,8, trung bình mỗi môn 1,36 điểm; trường THPT Lang Chánh, tổng điểm đầu vào là 8,4, trung bình mỗi môn 1,68 điểm; trường THPT Mường Lát điểm đầu vào nguyện vọng 1 là 9,7, trung bình mỗi môn 1,94 điểm; trường THCS-THPT Bá Thước, điểm đầu vào nguyện vọng 1 là 10,5, trung bình mỗi môn 2,1 điểm…

Điểm đầu vào bậc THPT thấp - Thực trạng đáng buồn tại khu vực miền núi Thanh Hóa - Ảnh 3.

Tình trạng chỉ 1 đến 2 điểm một môn, thậm chí, dưới 1 điểm một môn vẫn có thể đậu vào bậc THPT đã tiếp diễn hàng chục năm nay, tại nhiều trường thuộc các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Ngoài các nguyên nhân chung về điều kiện kinh tế- văn hóa- xã hội đặc thù của khu vực vùng cao, thì nguyên nhân quan trọng vẫn là do phụ huynh và học sinh khu vực miền núi chưa thực sự thiết tha với việc học THPT. Điều đó dẫn đến, lượng thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 khu vực miền núi thấp. Đa phần các trường THPT buộc phải tuyển tất cả các thí sinh đủ điều kiện, để đạt chỉ tiêu về số lượng. Thế nhưng, dù đã hạ xuống mức 1- 2điểm, nhiều trường vẫn không thể tuyển đủ học sinh.

Điểm đầu vào bậc THPT thấp - Thực trạng đáng buồn tại khu vực miền núi Thanh Hóa - Ảnh 4.

Thầy giáo Phạm Thành Luân, Tổ trưởng Chuyên môn, trường THCS và THPT Quan Sơn

Thầy giáo Phạm Thành Luân, Tổ trưởng Chuyên môn, trường THCS THPT Quan Sơn cho biết: "Để tuyển đủ thí sinh, nhà trường phải lấy tất cả những học sinh dự thi, miền không bị điểm liệt".

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: Một bộ phận học sinh xuất sắc ở bậc THCS khu vực miền núi đã thi tuyển vào các trường THPT Dân tộc nội trú; học sinh có tâm lý không cần cố gắng vẫn có thể thi đậu, nên chểnh mảng học hành...

Thầy giáo Trịnh Quốc Việt, Hiệu trưởng trường THCS Giao Thiện, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhà trường có tổ chức ôn tập cho học sinh, nhưng nhiều em không đi học. Nhiều em không có nhu cầu vào THPT mà lựa chọn đi làm".

Điểm đầu vào bậc THPT thấp - Thực trạng đáng buồn tại khu vực miền núi Thanh Hóa - Ảnh 5.

Cô giáo Lê Thị Tâm, Tổ trưởng Tổ Toán- Tin, trường THPT Lang Chánh, huyện Lang Chánh

Cô giáo Lê Thị Tâm, Tổ trưởng Tổ Toán- Tin, trường THPT Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đến từng nhà vận động, nhưng phụ huynh không có nhu cầu cho con đi học, vì nghĩ học xong THPT cũng không xin được việc".

Khu vực miền núi Thanh Hóa hiện vẫn còn muôn vàn khó khăn trong phát triển kinh tế- xã hội. Để giáo dục nơi đây đạt được kết quả như ngày hôm nay, là sự cố gắng, nỗ lực to lớn của đảng bộ, chính quyền, nhân dân các cấp, đặc biệt là của những người công tác trong ngành giáo dục- đào tạo. 

Điểm đầu vào bậc THPT thấp - Thực trạng đáng buồn tại khu vực miền núi Thanh Hóa - Ảnh 6.

Song, mức điểm đầu vào bậc THPT quá thấp phần nào cho thấy, việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục tại khu vực miền núi Thanh Hóa vẫn là bài toán khó, mà nếu ngành giáo dục không có các giải pháp căn cơ, thì khó có thể giải quyết được trong tương lai gần.



Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới TTV