Điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045

21:46 - 25/03/2020

(TTV) - Chiều 25/3, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe và cho ý kiến vào phương án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Phương án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh có mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 90% tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường. Các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường; lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ sản xuất nhiệt điện, phân bón; chất thải rắn nguy hại phát sinh từ sản xuất; chất thải rắn trong xây dựng; bùn thải… đều được thu gom xử lý với tỷ lệ từ 80 đến 100%, tùy điều kiện và khả năng thực tế. Đến năm 2045, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; hạn chế đến mức thấp nhất việc chôn lấp chất thải rắn như tại nhiều địa phương hiện nay.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền khẳng định, xử lý chất thải rắn đang là vấn đề cấp thiết  không chỉ của tỉnh Thanh Hoá mà là vấn đề quốc gia và toàn cầu, vì vậy, cần phải có nhận thức sâu sắc để có phương án xử lý phù hợp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thống nhất điều chỉnh phương án từ 5 khu thành 3 khu xử lý chất thải rắn tập trung gồm: Cụm xử lý chất thải rắn tại xã Đông Nam, Thành phố Thanh Hoá để xử lý cho thành phố Thanh Hoá và huyện Đông Sơn; cụm xử lý chất thải rắn tại xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia để xử lý cho huyện Tĩnh Gia và  Khu kinh tế Nghi Sơn và cụm xử lý chất thải rắn tại thị xã Bỉm Sơn. Đối với các huyện vùng núi cao chủ yếu  xử lý theo hình thức là chôn lấp hợp vệ sinh, các huyện còn lại sử dụng công nghệ đốt, hỗn hợp và chôn lấp hợp vệ sinh.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng, các địa phương có liên quan xác định vị trí thực hiện dự án, trong đó, ưu tiên nâng cấp mở rộng các điểm xử lý  hiện có đảm bảo với quy chuẩn và quy mô theo yêu cầu. Đối với các đô thị cần bố trí thêm các vị trí xử lý chất thải xây dựng và bùn thải; tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp và chất thải y tế. Trên sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng hoàn thiện phương án điều chỉnh để tỉnh phê duyệt làm cơ sở để thu hút đầu tư và tích hợp vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bản tin Thời sự tối TTV