Đoàn ĐBQH giám sát thu hồi nợ xấu tại một số tổ chức tín dụng

20:02 - 24/08/2022

(TTV) - Ngày 24/8, đoàn ĐBQH Thanh Hoá do đồng chí Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn dẫn đầu đã giám sát chuyên đề việc thực hiện thí điểm xử lý thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc Hội giai đoạn từ năm 2017 đến nay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bỉm Sơn và Quỹ tín dụng nhân dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc.

Theo ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Bỉm sơn và Quỹ tín dụng nhân dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, việc Quốc hội ban hành nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý  giúp các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu hiệu quả hơn thông qua xử lý tài sản đảm bảo khoản vay. Đồng thời các cơ quan chức năng như Toà án, cơ quan thi hành án cũng tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng trong xử lý, thu hồi nợ xấu, góp phần khơi thông dòng tín dụng đang ứ đọng để phục vụ nền kinh tế. Từ năm 2017 đến nay, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Bỉm Sơn đã phối hợp với các cơ quan chức năng khởi kiện 23 khách hàng nợ xấu, thu hồi hơn 20 tỷ đồng; quỹ tín dụng nhân dân Ngư Lộc xử lý 23 món nợ xấu, thu hồi về hơn 4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện thu hồi nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 cũng phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc áp dụng thủ tục rút gọn và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản biến động; việc nộp thuế khi chuyển nhượng tài sản biến động. Việc phối hợp thực hiện nghị quyết chưa thông suốt. Việc xử lý tài sản thế chấp là con tàu đối với các khoản vay đóng tàu cá theo Nghị định 67 rất khó khăn.

Đoàn ĐBQH giám sát thu hồi nợ xấu tại một số tổ chức tín dụng - Ảnh 2.

Đồng chí Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hoá cho rằng: Việc Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý, thu hồi nợ xấu đến cuối năm 2023 cho thấy những quy định đã phát huy hiệu quả, tạo hành lang pháp lý vững chắc, đồng bộ để các tổ chức tín dụng xử lý và thu hồi nợ xấu. Đồng chí đề nghị các tổ chức tín dụng thường xuyên phân loại, đánh giá, từ đó có kế hoạch xử lý, thu hồi nợ xấu hiệu quả. Các tổ chức tín dụng cũng cần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hạn chế rủi ro và các trường hợp có thể phát sinh nợ xấu; tăng cường giám sát, kiểm tra nội bộ, kịp thời phát hiện, cảnh báo các rủi ro trong hoạt động tín dụng. Những kiến nghị của các đơn vị, đoàn ĐBQH sẽ tổng hợp báo cáo Quốc Hội.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 24/8/2022