Doanh nghiệp dệt may Thanh Hoá nỗ lực tìm kiếm đơn hàng

Do những biến động của tình hình kinh tế thế giới, bước sang quý 2/2023 hoạt động của ngành dệt may trong cả nước nói chung, Thanh Hoá nói riêng tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp dệt may Thanh Hoá đã và đang nỗ lực cơ cấu lại mặt hàng, tiết giảm chi phí sản xuất để duy trì đơn hàng, tìm kiếm thị trường mới, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Từ chỗ sản xuất 100% hàng dệt kim xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH S&D đã chuyển đổi 50% cơ cấu sản phẩm sang làm hàng sơ mi để khai thác thị trường nội địa và một số thị trường xuất khẩu mới. Đại diện doanh nghiệp cho biết, bước sang quý 2/2023, lượng đơn đặt hàng của doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Giá gia công cũng bị cắt giảm đến 30 – 40%. Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị vẫn đang nỗ lực tiết giảm chi phí sản xuất, đa dạng cơ cấu mặt hàng để kết nối thêm các đơn hàng mới. Nhờ vậy, đơn vị không chỉ đảm bảo việc làm của người lao động mà còn đang tiếp tục tuyển dụng thêm lao động để mở rộng sản xuất.

Doanh nghiệp dệt may Thanh Hoá nỗ lực tìm kiếm đơn hàng - Ảnh 2.

Ông Nghiêm Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH S&D, tỉnh Thanh Hoá

Ông Nghiêm Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH S&D, tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện nay số lượng đơn hàng của công ty có thể sản xuất đến hết tháng 9, các đơn hàng tiếp theo đang giao dịch. Hy vọng từ nay đến cuối năm, lượng đơn đặt hàng sẽ tăng cao. Công ty đang tiếp tục tuyển thêm khoảng 700 lao động để mở rộng sản xuất.

Đại diện Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hoá cho biết, bước sang quý 2/2023, các doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn khi cầu tiêu dùng giảm, thị trường chưa có tín hiệu khởi sắc. Khoảng 30% doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về đơn hàng buộc phải giảm giờ làm, giảm lao động. 

Doanh nghiệp dệt may Thanh Hoá nỗ lực tìm kiếm đơn hàng - Ảnh 3.

Hầu hết các doanh nghiệp có lượng đơn hàng sụt giảm từ 25 - 30% so với cùng kỳ. Giá gia công cũng giảm, trong khi yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tập trung đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh bằng cách tăng năng suất lao động, đầu tư máy móc, các trang thiết bị hiện đại. Chú trọng đến công tác thị trường, đồng thời cố gắng tiết kiệm tối đa chi phí, tính toán nhận hàng giá thấp hay linh hoạt thay đổi cơ cấu sản phẩm, làm các mặt hàng không phải chủ đạo để có thể duy trì được hoạt động sản xuất.

Doanh nghiệp dệt may Thanh Hoá nỗ lực tìm kiếm đơn hàng - Ảnh 4.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hoá

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Chúng tôi đã xác định các đơn hàng, giá gia công sẽ bị cắt giảm nên đã có kế hoạch tìm kiếm thêm đơn hàng nội địa và khai thác các đơn hàng trong khối ASEAN và khu vực châu á. Tạo áp lực cho người lao động phải tăng năng suất, cải tiến mẫu mã, cải tiến kỹ thuật, đưa năng suất cao hơn để bù lại phần thiếu hụt, cắt giảm của khách hàng."

Nhận định những khó khăn của ngành dệt may còn kéo dài trong cả năm 2023, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hoá xác định mục tiêu ngắn hạn là có đơn hàng để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động. 

Doanh nghiệp dệt may Thanh Hoá nỗ lực tìm kiếm đơn hàng - Ảnh 5.

Trong lúc này, các doanh nghiệp cũng mong muốn có những giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững cho dệt may từ nguyên liệu đầu vào, sản xuất, xuất khẩu để đủ sức cạnh tranh đơn hàng. Đồng thời hỗ trợ vốn để các doanh nghiệp giữ ổn định nhịp sản xuất, chờ cơ hội phục hồi trở lại của nền kinh tế.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV