Doanh nghiệp Dệt may Thanh Hoá tập trung tìm kiếm đơn hàng

08:57 - 01/03/2024

Ngay từ những tháng đầu năm 2024, ngành dệt may Thanh Hoá đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi đơn hàng quay trở lại với số lượng lớn hơn, một số doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho hết quý 2/2024. Nhận định xu hướng phục hồi của thị trường, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đều đang tập trung cơ cấu lại mặt hàng, linh hoạt tìm kiếm đơn hàng, thị trường để đảm bảo việc làm cho người lao động.

Khác với không khí ảm đạm của năm 2023, ngay sau Tết Nguyên đán 2024, nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đang tăng ca, tăng kíp làm việc hết công suất để thực hiện đúng tiến độ các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết. Theo các doanh nghiệp, bước sang năm 2024, lượng đơn hàng dệt may có số lượng lớn hơn, tuy nhiên khách hàng lại có xu hướng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng, tiêu chuẩn sản xuất xanh và thời gian giao hàng gấp. 

Doanh nghiệp Dệt may Thanh Hoá tập trung tìm kiếm đơn hàng- Ảnh 1.

Ngoài ra, đơn giá sản phẩm vẫn còn thấp hơn khoảng 30% so với các năm trước đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí, đa dạng sản phẩm và sẵn sàng chuyển hướng sản xuất xanh để thích ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Về thị trường, bên cạnh việc duy trì các thị trường lớn truyền thống như Mỹ đã có những tín hiệu phục hồi, các doanh nghiệp đang hướng tới khai thác các thị trường nhỏ hơn như Trung Đông, hay một số nước khu vực châu Á, thị trường Nga, Đức…

Doanh nghiệp Dệt may Thanh Hoá tập trung tìm kiếm đơn hàng- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc công ty may Thiên Nam chi nhánh Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc công ty may Thiên Nam chi nhánh Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Hiện tại đơn hàng chúng tôi đã ký đến tháng 5, 6 năm nay và chúng tôi tiếp tục mở rộng mặt hàng, khách hàng nữa và để khách hàng tìm đến chúng tôi phải đảm bảo chất lượng, tiến độ giao hàng của khách thì một số khách hàng có thị trường mở ra đang tìm đến đặt hàng".

Dù thị trường đã có những tín hiệu phục hồi tích cực, song các chuyên gia kinh tế vẫn nhận định, khó khăn của ngành dệt may vẫn còn kéo dài trong năm 2024. Đặc biệt là giá cước vận tải biển tăng cao nhiều khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đơn giá, tiến độ thực hiện các đơn hàng và nguồn cung nguyên vật liệu cho ngành dệt may. Do đó, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hoá đang thận trọng theo dõi sát diễn biến thị trường, xác định mục tiêu ngắn hạn là duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động. 

Doanh nghiệp Dệt may Thanh Hoá tập trung tìm kiếm đơn hàng- Ảnh 3.

Ngành dệt may Thanh Hoá đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi đơn hàng quay trở lại với số lượng lớn hơn

Ngành công thương cũng đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại đã ký kết để khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu. Năm 2024, ngành dệt may Thanh Hoá đặt mục tiêu sản xuất khoảng 530 triệu sản phẩm, tăng khoảng 4,3% so với năm 2023.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 1/3