Doanh nghiệp dệt may thích ứng, tăng tốc sản xuất

18:48 - 14/11/2021

(TTV) - Thanh Hóa hiện có trên 200 nhà máy dệt may đang hoạt động. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến không ít nhà máy may có thời điểm phải hoạt động cầm chừng để đảm bảo an toàn. Nhưng với tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19", thời điểm này, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Thanh Hóa đang tập trung nguồn lực, tăng tốc sản xuất đảm bảo tiến độ cho các đơn hàng cuối năm.

 

Với đặc thù là ngành sử dụng nhiều lao động ,việc thực hiện nghiêm ngặt quy trình “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn” luôn được các doanh nghiệp dệt may áp dụng triệt để. Đặc biệt trong thời điểm cuối năm, khi nhu cầu thị trường tăng cao, hầu hết các nhà máy đều đang hoạt động tối đa công suất, có phương án mở rộng dây chuyền sản xuất và phải tăng ca để kịp tiến độ giao hàng. Theo đại diện Hiệp hội dệt may Thanh Hóa, lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may là chất lượng và tốc độ giao hàng. Hiện các doanh nghiệp trong ngành đều khá tự tin khi thế mạnh này không mất đi vì dịch bệnh.

Nhiều ngành hàng xuất khẩu, trong đó có dệt may Thanh Hóa tiếp tục được các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới đánh giá cao trong chuỗi cung ứng. Do vậy, nhu cầu về đơn hàng cuối năm và những tháng đầu năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao. Vấn đề còn lại của doanh nghiệp là chủ động thích ứng linh hoạt, có phương án tổ chức sản xuất tốt và an toàn. Nếu duy trì sản xuất ổn định từ nay đến cuối năm, ngành dệt may Thanh Hóa sẽ có nhiều cơ hội hoàn thành vượt mức mục tiêu giá trị xuất khẩu 1,2 tỷ USD trong năm 2021./.

Theo Hồng Ngọc/ Bản tin 18h30 ngày 14/11/2021