Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ các FTA

Trong khó khăn, thách thức do những biến động từ thị trường thế giới về chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển và nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã linh hoạt, chủ động thích ứng, đặc biệt là nắm bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa. Đến hết tháng 8/2022, các doanh nghiệp đã đạt giá trị xuất khẩu trên 3,6 tỷ USD, trong đó tập trung chủ yếu tại các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại.

Đối với ngành hàng xuất khẩu đến trên 90% như dệt may thì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mở ra cơ hội rất lớn, do được hưởng lợi nhiều từ các dòng thuế về 0%. Đây cũng là nhóm ngành hàng chủ lực, chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa và đang có dư địa phát triển tốt nhờ những lợi thế về nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những ưu đãi chỉ có nếu doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là quy tắc xuất xứ hàng hóa. Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ càng cho việc đáp ứng nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu của đối tác, đồng thời tăng cường liên kết, sử dụng sản phẩm theo chuỗi để chuẩn bị cho các đơn hàng đi thị trường có các hiệp định thương mại tự do được tốt hơn.

Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực chế biến nông, thủy sản tỉnh Thanh Hóa cũng đã chinh phục được các thị trường rộng lớn và khó tính như: EU, Hàn Quốc và Nhật Bản,..nhờ đầu tư quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, không ngừng nâng cao chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường. Đồng thời, chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu thông qua các kênh phân phối uy tín tại thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ các FTA - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Công Hùng-Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Công Hùng-Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa cho biết: "Khi chúng ta xuất khẩu những mặt hàng liên quan đến thực phẩm vào trong những thị trường có sức tiêu thụ tốt và giá tốt thì bắt buộc phải xuất vào thị trường cao cấp, như Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn. Đối với thị trường này sẵn sàng mua giá mức cao nhưng mặt khác tiêu chuẩn chất lượng lớn. Năm nào cũng có yêu cầu nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng. Về phía chúng tôi, việc đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống nuôi trồng khép kín luôn được đầu tư nâng cấp hàng năm, nhờ đó khách luôn giữ niềm tin đối với sản phẩm cũng như hệ thống nuôi trồng của công ty".

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia, trong đó phải kể đến như Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc...Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các FTA không chỉ giúp doanh nghiệp đa dạng hóa từ sản phẩm cho đến thị trường, mà còn có thêm lợi thế cạnh tranh về giá, từ đó tăng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu.

Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ các FTA - Ảnh 3.

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thúc đẩy doanh nghiệp Thanh Hóa đem sản phẩm xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 189 doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tăng 42 doanh nghiệp so với năm 2021; xuất khẩu  55 chủng loại hàng hóa sang 53 thị trường trên thế giới. Theo ngành công thương, phải sau 3 năm thực thi, biên độ và mức ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng mới đủ lớn để tạo động lực xuất khẩu mạnh hơn. Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu EVFTA, năm nay là năm thứ 3 thực thi; còn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP đã bước sang năm thứ 4. Do vậy, đây là thời điểm vàng để ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu, khẳng định giá trị thương hiệu hàng hóa tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh biến động giá cả đang làm giảm tổng cầu trên thế giới.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối 11/9