Doanh nghiệp ổn định sản xuất, đẩy mạnh thu hút lao động

16:12 - 15/03/2024

Xác định giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua huyện Nông Cống đã chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển. Nhờ vậy, một số lao động đã được tạo điều kiện, hỗ trợ tiếp cận những việc làm phù hợp, thu nhập ổn định tại địa phương.

Công ty TNHH may xuất khẩu Vạn Lợi, xã Thăng Long huyện Nông Cống nhận bàn giao từ Công ty CP may Vạn Lợi vào tháng 4/2023. Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty đã chuyển hướng từ thị trường truyền thống là Mỹ, Hàn Quốc sang thị trường Nhật Bản. Mặc dù hiện nay nhiều doanh nghiệp may đang gặp khó do thiếu, thậm chí không có đơn hàng, nhưng đối với công ty 2 tháng đầu năm 2024 đã xuất khẩu được 170 nghìn sản phẩm và đã ký được nhiều đơn hàng đảm bảo cho người lao động có việc làm kéo dài đến hết tháng 8/2024. Việc ký kết được đơn hàng xuất khẩu quần áo năm 2024 là tín hiệu tích cực, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho 700 lao động với mức thu nhập dao động từ 6 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện doanh nghiệp đang mở thêm xưởng mới và dự kiến tuyển dụng thêm 300 lao động. Đây là cơ hội để công ty tăng trưởng trong năm 2024, phấn đấu mục tiêu sản xuất tăng thêm 20% so với năm 2023.

Doanh nghiệp ổn định sản xuất, đẩy mạnh thu hút lao động- Ảnh 1.

Chị Trịnh Thị Thu, Công ty TNHH may xuất khẩu Vạn Lợi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Môi trường làm việc ở đây khá là thuận lợi, thoải mái nên người lao động rất muốn gắn bó với công ty".

Doanh nghiệp ổn định sản xuất, đẩy mạnh thu hút lao động- Ảnh 2.

Ông Ding xin Sheng, Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Vạn Lợi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa

Ông Ding xin Sheng, Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Vạn Lợi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Để đáp ứng được nhu cầu đơn hàng, công ty đang tiếp tục đầu tư thêm xưởng mới. Công ty mong muốn tuyển dụng thêm khoảng 200 - 300 công nhân trong năm 2024, khi có xưởng mới thì tuyển thêm 1000-1500 công nhân".

Là doanh nghiệp cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng, Công ty CPXD và Khai thác khoáng sản Thái Sơn, xã Tân Phúc luôn chú trọng tới việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, mở rộng quy mô đầu tư để nâng cao sản lượng. Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung áp dụng công nghệ tiên tiến, máy móc thiết bị được nhập khẩu đồng bộ, nâng tổng công suất dây chuyền đạt 10 triệu viên/năm. Ngoài ra, công ty còn đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu sỏi, đá để tạo ra sản phẩm cát sạch chất lượng cao. Với công suất thiết kế trên 200 tấn/ giờ, các công đoạn sản xuất được tự động hóa nên giảm thiểu tối đa công lao động và giảm tiêu hao năng lượng trong quá trình sản xuất. Cát nhân tạo đảm bảo không có tạp chất, hạt đều, giá thành thấp hơn cát tự nhiên nên có khả năng thay thế được cát tự nhiên trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trộn bê tông và sản xuất gạch không nung. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, được các chủ thầu xây dựng và người tiêu dùng đánh giá cao. Đó là tín hiệu tích cực, đáng mừng, khởi đầu một năm mới thuận lợi, tạo đà cho công ty bứt phá, phát triển đi lên. Hiện công ty tạo việc làm cho hơn 50 lao động với mức lương từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp ổn định sản xuất, đẩy mạnh thu hút lao động- Ảnh 3.

Doanh nghiệp ổn định sản xuất, đẩy mạnh thu hút lao động- Ảnh 4.

Ông Lê Công Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CPXD và KTKS Thái Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Công Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CPXD và KTKS Thái Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Công ty chúng tôi đến nay vẫn duy trì được chất lượng sản phẩm, ổn định việc làm cho công nhân viên. Chúng tôi mong Đảng và chính quyền các cấp tạo điều kiện ví dụ như cho thuê đất hay cấp pháp mỏ một cách nhanh gọn để công ty đầu tư kịp thời".

Ông Lê Đình Lợi, Công ty CPXD và KTKS Thái Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trong quá trình nỗ lực của Ban Giám đốc cũng như cán bộ công nhân viên chung tay góp sức thì vẫn đảm bảo được đời sống cho anh em trong công ty".

Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Nông Cống đã khuyến khích các xã phát triển tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống, thành lập các Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, nhân cấy nghề mới. Đồng thời, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hiện trên địa bàn huyện có 679 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, xây dựng… với các sản phẩm chủ lực như may mặc, giày da. Hoạt động của doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20.000 lao động tại các địa phương trên địa bàn huyện.

Doanh nghiệp ổn định sản xuất, đẩy mạnh thu hút lao động- Ảnh 5.

Hoàng Thị An, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa

Hoàng Thị An, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Đối với các doanh nghiệp, địa phương cũng tạo điều kiện để đấu mối với cơ quan cấp trên cùng các tổ chức khác để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển".

Hiện nay, huyện Nông Cống đang tập trung rà soát, nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động. Cùng với các giải pháp, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng, phối hợp cùng với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá các Sở ban ngành của tỉnh tổ chức khóa đào tạo bồi dưỡng doanh nhân cho các chủ doanh nghiệp để bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý doanh nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đến với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ổn định sản xuất, đẩy mạnh thu hút lao động- Ảnh 6.

Thời gian tới, huyện Nông Cống tiếp tục tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo đúng định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, với phương châm: "Sự thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là sự thành công của địa phương". Bên cạnh đó, tạo cơ chế thông thoáng, hỗ trợ về thủ tục để thu hút các dự án, mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguồn: Bản tin Doanh nghiệp Doanh nhân ngày 13/3/2024